Trang bị kiến thức, kỹ năng cho người làm du lịch nông thôn

Xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với thế mạnh về nông nghiệp, nông thôn là một trong những định hướng phát triển du lịch của tỉnh Sơn La. Những năm gần đây, ngành du lịch của tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết cho những người làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giọng nữ
Lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại thành phố Sơn La.

Tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch vào đầu tháng 11/2024, hơn 80 học viên là những người bước đầu kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã được trang bị những kiến thức cơ bản về du lịch. Trong suốt những ngày tập huấn, các giảng viên giàu kinh nghiệm đã truyền đạt những kiến thức bổ ích mà người làm du lịch cần có. Cùng với đó, học viên được thực hành các kỹ năng cơ bản trong kinh doanh dịch vụ du lịch, như: Giao tiếp, nghiệp vụ lễ tân, đặt phòng, phục vụ du khách lưu trú, nghiệp vụ buồng, chế biến món ăn, pha chế đồ uống… Các học viên được trao đổi trực tiếp với giảng viên, được giải đáp những vấn đề thường gặp, cách xử lý tình huống trong giao tiếp, thực hành nghiệp vụ.

Chị Hoàng Thị Dung, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, học viên của lớp tập huấn, chia sẻ: Chúng tôi học hỏi được rất nhiều kiến thức bổ ích, đặc biệt là những kỹ năng cần thiết của người làm du lịch; chế biến món ăn, đồ uống, bảo quản thực phẩm an toàn, khai thác nguyên liệu sẵn có của địa phương để tạo ra những món ngon, hấp dẫn du khách, góp phần quảng bá du lịch của quê hương.

Còn với anh Vàng A Thanh, một người đã có khá nhiều kinh nghiệm trong phát triển du lịch cộng đồng tại bản Chiềng Đi 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, lớp tập huấn giúp anh học hỏi thêm được nhiều kỹ năng để áp dụng trong thực tế. Anh Thanh nói: Chúng tôi được trao đổi, trực tiếp hỏi để các giảng viên đưa ra những phương án xử lý một số tình huống thường gặp trong giao tiếp với khách du lịch, hoặc những vấn đề phát sinh trong quá trình phục vụ du khách. Qua đó, giúp chúng tôi tự tin hơn khi trở về làm du lịch tại bản mình.

Các học viên tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch thực hành chế biến món ăn.

Năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho 235 học viên. Ngoài lớp học tổ chức tại Thành phố, còn có các lớp được mở tại các địa phương đang có du lịch phát triển, như: Quỳnh Nhai, Mường La, Phù Yên... Nội dung bám sát chương trình khung với những kiến thức cơ bản và mở rộng thêm những vấn đề mang tính thực tiễn tại từng địa phương. Từ đó, trang bị cho học viên những kiến thức nền tảng và kỹ năng áp dụng vào phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp, giúp khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương.

Giảng dạy lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch tại tỉnh Sơn La, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết: Từ góc nhìn tổng quan về tiềm năng, lợi thế của Sơn La, kiến thức mà lớp bồi dưỡng mang lại sẽ giúp các học viên hình dung được cách thức xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp. Trong đó, đa phần là các loại hình dịch vụ, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và hấp dẫn du khách.

Du khách trải nghiệm hoạt động tại điểm du lịch cộng đồng bản Bon, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin: Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 13.000-15.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch, Sở đang tham mưu cho tỉnh các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Chú trọng đào tạo nhân lực lao động lành nghề tại các cơ sở lưu trú, các khu điểm du lịch, đào tạo kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trực tiếp, lao động vùng nông thôn.

Với giải pháp thiết thực, nội dung tập huấn mang tính ứng dụng cao, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch giúp trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho những người làm du lịch vùng nông thôn. Đây là bước cơ bản định hướng và khuyến khích các cá nhân kinh doanh, nhất là người nông dân xây dựng ý tưởng phát triển dịch vụ hiệu quả, phát huy tiềm năng của mỗi địa phương thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới