Phát triển du lịch nông thôn

Mường Và - một bản làng thanh bình, nơi lưu giữ bản sắc truyền thống dân tộc Lào xã Mường Và, huyện Sốp Cộp. Trong nhịp sống hiện đại, bản làng đang dần khoác lên mình diện mạo mới, trở thành điểm đến du lịch nông thôn hấp dẫn.

Giọng nữ
Nghề dệt thổ cẩm ở bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp.

Đến bản Mường Và, chúng tôi ấn tượng với những nếp nhà sàn khang trang, tiếng cười nói, tiếng khung dệt nhịp nhàng, tạo nên không gian đầy thanh âm của đời sống miền núi. Chị Vì Thị Chăn, một nghệ nhân trong bản Mường Và, chia sẻ: Hằng trăm năm qua, nghề dệt vải thổ cẩm đã được trao truyền từ đời này qua đời khác. Hoa văn trên những tấm vải thổ cẩm của người dân tộc Lào ở bản Mường Và dệt ra, như một cuốn sách không lời kể về cuộc sống, thiên nhiên và ước vọng của chúng tôi.

Ngoài nghề dệt thổ cẩm, bản Mường Và còn nổi tiếng với Lễ hội Khẩu Hó, một nghi thức cầu mùa độc đáo, thể hiện tinh thần gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Lễ hội, là dịp để dân bản cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no, hạnh phúc. Hiện nay, lễ hội thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm.

Một góc bản Mường Và.

Phát huy tiềm năng tự nhiên và văn hóa phong phú, huyện Sốp Cộp đã triển khai Đề án “Phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và từ năm 2023”. Đề án đã giúp quảng bá vẻ đẹp của bản làng, hỗ trợ người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

Ông Lò Văn Thính, trưởng bản Mường Và cho biết: Tham gia Đề án, nhân dân được tập huấn cách đón khách, tổ chức các hoạt động trải nghiệm như học dệt thổ cẩm, nấu các món ăn truyền thống và tham gia trình diễn các điệu múa truyền thống dân tộc Lào. Du lịch phát triển, bà con phấn khởi vì nhà ai cũng có thêm thu nhập nhờ bán sản phẩm thổ cẩm, phục vụ các món ăn truyền thống cơm lam, thịt trâu gác bếp...

Khu du lịch Tháp Mường Và.

Sau một năm triển khai đề án, năm 2024, Mường Và đã đón hơn 3.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng. Chị Phạm Thị Nga, một du khách từ Hà Nội, chia sẻ: Lần đầu tiên đến Mường Và, được sống trong không khí của bản làng, tận mắt thấy cách dệt thổ cẩm và tham gia múa xòe, cảm giác thật tuyệt vời, nhất là bà con rất thân thiện, mến khách.

Ngoài việc tạo thu nhập cho nhân dân, du lịch còn giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan và bản sắc văn hóa. Những thửa ruộng bậc thang được chăm sóc cẩn thận, những ngôi nhà sàn được dọn dẹp sạch sẽ, điểm tô thêm những tấm vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Bước đầu đề án đã đạt kết quả, nhưng bản Mường Và vẫn gặp khó khăn nhất định, như cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt vào mùa mưa, khiến du khách đi lại khó khăn. Ngoài ra, sự cạnh tranh với các địa phương lân cận cũng đòi hỏi huyện Sốp Cộp phải có chiến lược phát triển bài bản, dài hơi.

Trung tâm xã Mường Và.

Ông Lò Văn Thính cho biết thêm: Mô hình du lịch nông thôn đã mang lại những hiệu quả bước đầu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong bản từ 25% xuống còn 15% năm 2024. Thời gian tới, bản sẽ tập trung phát triển các tour du lịch trải nghiệm mùa lễ hội, tăng cường quảng bá qua mạng xã hội và các sự kiện văn hóa tỉnh Sơn La. Đồng thời, đề nghị huyện tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng đường giao thông và các công trình phụ trợ cho du lịch.

Phát triển du lịch nông thôn là hướng đi đúng, đưa Mường Và sớm trở thành điểm sáng du lịch, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới