Phát triển bền vững du lịch Tà Xùa

Cách thành phố Sơn La hơn 100 km, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, sở hữu nhiều lợi thế phát triển du lịch. Miền “mây trời quyện với núi non” này là điểm đến lý tưởng, thu hút đông đảo du khách thích săn mây và khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ. Tà Xùa đang tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa du lịch phát triển bền vững.

Giọng nữ
Trung tâm xã Tà Xùa.

Thiên đường Mây

Từ một xã vùng cao ít người biết đến, hiện nay, cái tên “Tà Xùa” với những địa danh như: Thiên đường mây Tà Xùa, Đồi chè bản Bẹ, Mỏm cá heo, Thảo nguyên Tà Xùa... thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Tà Xùa hiện có 4 bản với 574 hộ, trên 3.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Nhờ tiềm năng sẵn có, mạng xã hội phát triển mạnh và sự hỗ trợ hiệu quả từ các cấp, du lịch Tà Xùa có bước phát triển nhanh chóng. Giai đoạn 2021 - 2024, xã được đầu tư 17 dự án hạ tầng với tổng vốn gần 28 tỷ đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đưa Tà Xùa trở thành điểm đến hấp dẫn.

Toàn xã có 44 cơ sở lưu trú, đáp ứng khoảng 800 lượt khách/ngày, đêm; hàng chục quán cà phê săn mây, dịch vụ cho thuê xe máy và hướng dẫn du lịch. Nhiều gia đình phát triển quán ăn phục vụ du khách. Những điểm check-in như những quán cà phê view mây, những khu cắm trại ngày một nhiều. Đời sống kinh tế của người dân địa phương được cải thiện đáng kể từ nguồn thu từ du lịch. 100% các tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản và hệ thống đường xã, đường liên bản đều được cứng hóa, ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Cả 4 bản đều có nhà văn hóa. Tà Xùa đã hoàn thành 14/19 tiêu chí và 51/57 chỉ tiêu nông thôn mới.

Trung tâm xã Tà Xùa.

Tuy du lịch phát triển nhanh, song lại kéo theo những hệ lụy. Quy hoạch chưa theo kịp tốc độ phát triển, khiến nhà cửa mọc lên lộn xộn, phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Tình trạng sốt đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất ồ ạt, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của người dân. Giao thông quá tải, đường lên xã nhỏ hẹp, dễ xảy ra tai nạn và ùn tắc vào dịp cao điểm. Du lịch theo mùa, khiến hoạt động kinh doanh dịch vụ bấp bênh. Cùng với đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế, lượng rác thải tăng; chai nhựa, túi nilon và đồ ăn thừa chưa được thu gom triệt để làm mất mỹ quan.

Anh Mùa A D. sinh ra và lớn lên ở Tà Xùa, chia sẻ: Trước đây bản làng yên tĩnh lắm, giờ thì ô tô, xe máy nườm nượp. Dân bản vui vì có tiền từ du lịch, nhưng cũng lo, về lâu dài, nguồn rác thải quá tải và nhà cửa xây dựng lộn xộn chưa theo quy hoạch, làm mất vẻ đẹp của bản làng.

Ông Mùa A Hồ, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: Xã xác định việc quản lý tài nguyên và giữ cân bằng giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, cảnh quan là yếu tố then chốt để đưa du lịch phát triển bền vững. Thời gian qua, xã đã thực hiện nhiều giải pháp, như: Tuyên truyền pháp luật về du lịch, nâng cao nhận thức cho người dân; kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh, đầu tư, xây dựng; chú trọng thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường và cảnh quan. Đồng thời, tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm tại khu du lịch và phối hợp với các cấp trong quy hoạch, quản lý du lịch theo đúng quy định.

Thương hiệu thiên đường mây trên đỉnh Tà Xùa vừa là cơ hội vừa là thách thức đan xen, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương phải có những quyết sách mạnh mẽ trong việc xây dựng các quy định về bảo vệ môi trường, kiểm soát hoạt động của homestay, nhà hàng. Đồng thời, đẩy mạnh du lịch cộng đồng, giúp người dân bản địa hưởng lợi một cách công bằng, lâu dài từ phát triển du lịch.

Bảo tồn bản sắc văn hóa

Ngoài cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Tà Xùa còn thu hút du khách bởi nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Những bộ váy thổ cẩm rực rỡ, những phiên chợ vùng cao đầy màu sắc, những điệu khèn, điệu múa truyền thống luôn tạo ấn tượng cho du khách. Tuy nhiên, văn hóa bản địa cũng đang đứng trước nguy cơ mai một. Một bộ phận giới trẻ dân tộc Mông ngày càng ít mặc trang phục truyền thống, thay vào đó là những bộ đồ hiện đại. Bên cạnh đó, một số nghề thủ công truyền thống như dệt vải, đúc khèn, rèn nông cụ rất ít người theo học.

Nhân dân bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, hái chè xuân.

Trước nguy cơ đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch, trong đó, tập trung vào tuyên truyền, vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân gìn giữ, phát triển các nét văn hóa như: Kiến trúc nhà truyền thống người Mông; thêu váy áo truyền thống; chế tác khèn, sáo, lu cở; thành lập, duy trì hoạt động các đội văn nghệ bản hát, múa dân tộc Mông, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đánh quay; bảo tồn, phát triển diện tích và các sản phẩm chè Tà Xùa... Nhờ đó, tạo ra những sản phẩm độc đáo, phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân và từng bước đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức của du khách.

Ngoài ra, một số gia đình duy trì nghề dệt lanh, chế tác khèn Mông, tổ chức các lớp học tiếng Mông miễn phí cho trẻ em. Một số homestay kết hợp kinh doanh và bảo tồn văn hóa, tạo ra các hoạt động trải nghiệm như học dệt vải, nấu ăn truyền thống, giao lưu văn nghệ với người dân bản địa. Đây là những tín hiệu tích cực, để văn hóa dân tộc Mông nơi đây không bị phai nhạt trong dòng chảy du lịch.

Nhân dân bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, sao chè phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ nghệ nhân gìn giữ văn hóa truyền thống, khuyến khích các chương trình du lịch cộng đồng gắn với bản sắc dân tộc; tổ chức nhiều hội chợ văn hóa, ngày hội truyền thống, giúp quảng bá hình ảnh người Mông. Đồng thời, tạo sinh kế cho người dân thông qua các sản phẩm thủ công đặc trưng. Chỉ khi văn hóa bản địa được bảo tồn, phát huy đúng cách, du lịch Tà Xùa mới có thể phát triển bền vững, không đánh mất giá trị cốt lõi của vùng đất này.

Hướng đi cho Tà Xùa

Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Nhận thức được tiềm năng về phát triển du lịch tại Tà Xùa, huyện Bắc Yên đã đề xuất chủ trương phát triển du lịch tại khu vực này, như: Đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển du lịch Tà Xùa của huyện Bắc Yên vào quy hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025. Hình thành các tuyến du lịch sinh thái văn hóa vùng cao; phát triển mô hình du lịch cộng đồng quy mô hộ gia đình. Cải tạo, phục tráng diện tích chè hiện có gắn với bảo vệ diện tích chè cổ thụ; mở rộng diện tích chè Tà Xùa và gắn với du lịch trải nghiệm, giữ gìn, nâng cao thương hiệu chè Tà Xùa. Xây dựng Tà Xùa là trung tâm phát triển du lịch của huyện, là vệ tinh của khu du lịch quốc gia Mộc Châu và khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

Một điểm check-in tại Tà Xùa.

Ngoài ra, địa phương cần xây dựng quy hoạch phù hợp, kiểm soát số lượng cơ sở lưu trú, xử lý rác thải hiệu quả. Các doanh nghiệp, cơ sở du lịch phải ký cam kết giữ gìn cảnh quan, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường và tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia vào các hoạt động kinh doanh bền vững. Tích cực tuyên truyền cho du khách về ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, tôn trọng văn hóa bản địa và tham gia các hoạt động du lịch có trách nghiệm.

Đến hết năm 2024, huyện đã đạt và vượt 6/6 mục tiêu Đề án về phát triển du lịch huyện Bắc Yên giai đoạn 2021-2025 đề ra; các nhiệm vụ, giải pháp của đề án đã được tích cực triển khai. Hoạt động du lịch có bước phát triển nhanh, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và cải thiện đời sống nhân dân...

Một điểm check-in tại Tà Xùa.

Với sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân và du khách, sẽ đưa Tà Xùa trở thành điểm đến hấp dẫn, là hình mẫu về phát triển du lịch gắn với bảo vệ thiên nhiên và văn hóa.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Thực hiện chiến lược phát triển năng lượng

    Thực hiện chiến lược phát triển năng lượng

    Kinh tế -
    Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Sơn La đã thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, phát triển các nguồn năng lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
  • 'Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

    Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

    Khoa Giáo -
    Giáo dục kỹ năng sống, giúp học sinh trang bị kiến thức về cuộc sống, rèn luyện cách ứng xử, biết yêu thương, chia sẻ và thích nghi với những tình huống bất ngờ. Đó là cách làm của Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, giúp học sinh hình thành nhân cách và lối sống tích cực.
  • '“Ánh sáng” từ những lớp học xóa mù chữ

    “Ánh sáng” từ những lớp học xóa mù chữ

    Khoa Giáo -
    Việc phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, giúp nhân dân được tiếp cận thông tin, cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • 'Chiềng San chuyển hóa địa bàn không có ma túy

    Chiềng San chuyển hóa địa bàn không có ma túy

    An ninh trật tự -
    Quyết tâm đẩy lùi ma túy, xã Chiềng San, huyện Mường La, đã triển khai các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế để chuyển hóa, xây dựng các cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn “không có ma túy”, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa ma túy trong cộng đồng.
  • 'Giữ vững an ninh, trật tự trong lĩnh vực xuất nhập cảnh

    Giữ vững an ninh, trật tự trong lĩnh vực xuất nhập cảnh

    An ninh trật tự -
    Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh phát huy vai trò đơn vị nòng cốt tham mưu Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh thực hiện hiệu quả việc quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh.