Mường La có Nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, với lòng hồ rộng mênh mông, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; có một Ngọc Chiến - miền quê cổ tích; các mó nước khoáng nóng tại thị trấn Ít Ong, Chiềng Hoa, Hua Trai và sự đa dạng văn hóa độc đáo của các dân tộc... mang đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn và thú vị.
Sức hút của du lịch Mường La đã đưa anh Nguyễn Cao Cường từ Hà Nội đến với bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến trong một lần trải nghiệm vùng đất Tây Bắc, chinh phục ngọn núi Tà Chì Nhù. Anh Cường chia sẻ: Đỉnh núi Tà Chì Nhù cao thứ sáu ở Việt Nam thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, nhưng muốn leo cung đường đẹp thì phải đi qua bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến. Trên cung đường leo Tà Chì Nhù, tôi đã lạc vào rừng sơn tra hoa trắng muốt, rồi “phải lòng” bản Nậm Nghẹp.
Tại bản Nậm Nghẹp, anh Cường đã gặp gỡ bà con trong bản nói chuyện làm du lịch; hướng dẫn bản thành lập đội biểu diễn khèn Mông; mở quán cà phê đón khách; làm chỗ nghỉ chân, khu cắm trại và cung cấp các dịch vụ cơ bản để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời, lập trang Facebook quảng bá, giới thiệu thông tin của bản, về sắc hoa sơn tra... Tháng 11/2024, anh Cường đã liên kết với 8 hộ dân thành lập HTX Nậm Nghẹp, hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ du lịch cộng đồng; trồng, chế biến và khai thác nông, lâm sản, dược liệu; dịch vụ vận tải và môi trường.
Anh Khánh A Lệnh, bản Nậm Nghẹp được anh Cường chỉ dẫn cách làm du lịch cộng đồng, giờ là tổ trưởng tổ xe đưa, đón, dẫn du khách tới thăm bản và leo núi Tà Chì Nhù. Anh Lệnh chia sẻ: Tổ có 30 người, chủ yếu là thanh niên của bản, chủ yếu chở khách du lịch từ trung tâm xã thăm bản, rồi dẫn về nghỉ tại các homestay, giúp cho hộ có thu nhập từ hoạt động du lịch, nâng cao đời sống vật chất và diện mạo của bản giờ xanh, sạch, đẹp hơn.
Với chị Nguyễn Ngọc Hiển, du khách tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên đến với Ngọc Chiến, chia sẻ: Tôi và các bạn được trải nghiệm tắm suối khoáng nóng bản Lướt, xã Ngọc Chiến và chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. Cảnh quan nơi đây rất đẹp, con người thân thiện, mến khách, để lại ấn tượng cho chúng tôi. Chắc chắn tôi và các bạn sẽ trở lại nhiều lần nữa.
Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2020-2025, du lịch huyện Mường La đã chuyển biến tích cực. Việc tuyên truyền, quảng bá được đẩy mạnh, đa dạng về hình thức và nội dung; phát hành 1.000 bản đồ du lịch; 2.000 tờ gấp; 1.000 cẩm nang du lịch. Tổ chức phục dựng lễ hội, ngày hội, các cuộc thi giới thiệu về du lịch Mường La; phối hợp với đoàn Caranival, Farmtrip của Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội khảo sát điểm du lịch xã Ngọc Chiến.
Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn xã Ngọc Chiến xây dựng điểm du lịch cộng đồng bản Nà Tâu và bản Lướt; phối hợp với đơn vị tư vấn thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 với 4 dự án du lịch, gồm: Trung tâm Dịch vụ du lịch Ngọc Chiến tại bản Lướt; khu thể thao phức hợp Ngọc Chiến tại bản Đông Xuông; Khu du lịch sinh thái và chăm sóc sức khỏe bản Lướt và Trung tâm du lịch sáng tạo bản Phày. Phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, khác biệt; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch...
Phục dựng các lễ hội truyền thống, gắn với giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xã Tạ Bú huyện Mường La đã tổ chức Ngày hội đua thuyền; xã Mường Bú tổ chức Ngày hội hái quả, với chủ đề “Táo đại Mường La”; xã Mường Trai với Lễ hội Nàng Han và Ngày hội hoa sơn tra xã Ngọc Chiến... mỗi đợt tổ chức lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới tham dự, trải nghiệm.
Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, huyện Mường La đã xây dựng, hình thành các tuyến du lịch kết nối Mường La - Ngọc Chiến với Mù Cang Chải, Văn Trấn, Trạm Tấu (Yên Bái); Mường La - Ngọc Chiến với Than Uyên - Tân Uyên (Lai Châu) - Sa Pa (Lào Cai)... Huyện đã đưa vào khai thác tuyến du lịch trải nghiệm leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979 m so với mực nước biển, đi qua rừng sơn tra của bản Nậm Nghẹp; khảo sát, phát triển du lịch khám phá rừng già và chinh phục đỉnh Tà Tao, với độ cao 2.720 m cũng tại bản Nậm Nghẹp...
Trong Đề án định hướng phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành khu du lịch quốc gia, khu vực Mường La là một trong bốn cụm du lịch của tỉnh có vai trò quan trọng trong hành trình du lịch tỉnh Sơn La nói chung và du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La nói riêng.
Tạo bước đột phá cho du lịch, thời gian tới, huyện Mường La tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; tiếp tục phát triển nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cuối tuần; nhóm sản phẩm tham quan danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh. Cùng với đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, từng bước phát triển du lịch thông minh... Phấn đấu đến năm 2025, huyện đón 700.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 210 tỷ đồng, tạo việc làm cho 500 - 700 lao động phổ thông.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!