Cần có những giải pháp để khơi dậy tiềm năng du lịch Yên Châu

Cảnh quan thiên nhiên phong phú với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc là những tiềm năng, lợi thế để huyện Yên Châu phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái.

Giọng nữ

Nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ

Hang Chi Đảy nằm tại địa phận bản Đán, xã Yên Sơn là quần thể hang động đẹp nổi tiếng được nhiều người dân địa phương phát hiện vào năm 2007. Trong tiếng Thái, Chi Đảy có nghĩa là “sẽ được” nên người dân địa phương còn gọi là hang “cầu gì được đấy”, vì thế nhiều người truyền tai nhau đến đây để xin, cầu những điều mình ước muốn.

Quần thể hang Chi Đảy gồm 4 hang động, nằm cùng trên dãy núi đá vôi được bao phủ bởi khu rừng nguyên sinh quanh năm mát mẻ. Trải qua thời gian, nhiều nhũ đá trong hang được tạo hóa tạo hình đa dạng, khơi gợi sự tưởng tượng kỳ thú cho du khách về những câu chuyện huyền bí.

Quần thể danh lam thắng cảnh hang Chi Đảy, xã Yên Sơn. 

Từ năm 2008, hang Chi Đảy được đưa vào hoạt động phục vụ khai thác du lịch và được công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Vẻ đẹp hoang sơ của hang Chi Đảy đã hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Thời gian đầu, lượng khách đến tham quan khá đông, đặc biệt vào những cuối tuần, ngày rằm, dịp lễ, mỗi ngày hang động đón hàng nghìn lượt khách đến chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, lượng khách giảm dần, rồi vắng hẳn, thi thoảng có vài chục khách đến thăm, chủ yếu là học sinh, khách hành hương.

Là đơn vị quản lý và khai thác quần thể hang Chi Đảy, từ khi đi vào hoạt động, HTX Sơn Lâm, xã Yên Sơn đã đầu tư mở đường, xây dựng các điểm bán hàng, sân bãi, các công trình phụ trợ, kéo điện thắp sáng dẫn vào hang... phục vụ khách du lịch. Ông Kiều Đức Nam, thành viên HTX, chia sẻ: Nhà nước đầu tư xây dựng hơn 1 km đường bê tông dẫn vào khu vực hang và quy hoạch chi tiết quần thể di tích danh lam thắng cảnh, nhưng do đường đi đến hang nhỏ và quanh co, qua nhiều mùa mưa đã bị xói mòn. Nguồn thu từ bán vé đạt thấp không đủ trang trải chi phí hoạt động, không có tiền tu sửa các công trình. 

Dịch vụ tắm nóng bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông dừng hoạt động trong nhiều năm.

Tương tự, tại bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông, từng là điểm hút khách du lịch bởi nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, đã dừng khai thác. Mó nước nóng vẫn còn khá nguyên sơ, nằm cách trung tâm xã chưa đầy 1 km, gần quốc lộ 6, xung quanh khu vực mó có cảnh quan đẹp, bao quanh là những cánh đồng rộng xanh mát, hàng me cổ thụ, có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng.

Một số hộ dân trong bản khai thác và liên kết với nhau thành lập tổ hợp tác mở rộng dịch vụ tắm khoáng nóng, kinh doanh ăn uống. Thời gian cao điểm, mỗi ngày có gần 200 lượt khách đến tắm, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, do phát sinh tranh chấp đất giữa các hộ, vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất nên nhiều hộ bức xúc quây rào mó nước, chặn lối đi vào khu vực dịch vụ tắm nóng. Bên cạnh đó, vị trí mạch nước nóng nằm ở dưới chân ruộng nên trong quá trình canh tác đã bị đất ruộng vùi lấp đi khá nhiều, dẫn đến ảnh hưởng kinh doanh của tổ hợp tác, sau dần vắng khách và phải dừng hoạt động.

Khu vực mó nước bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông bị bỏ hoang. 

Anh Hoàng Thanh Bình, Tổ hợp tác dịch vụ Thèn Luông, bộc bạch: Hiện nay, lối dẫn vào mó nước nóng là đường mòn, cỏ dại chen lấn; khu vực mó bị bỏ hoang. Mong chính quyền địa phương phối hợp với các cấp, ngành sớm giải quyết những vướng mắc để tổ hợp tác sớm hoạt động trở lại, tái đầu tư, cải tạo, khai thác hiệu quả, mở rộng dịch vụ tắm nóng, ẩm thực dân tộc, nâng cao thu nhập.

Khai thác lợi thế, phát triển bền vững

Là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và được thiên nhiên ưu đãi, Yên Châu là địa phương có nhiều điểm di tích, danh thắng hấp dẫn. Hiện nay, toàn huyện có 10 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào, được xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt; danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Hồ Chiềng Khoi và 8 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Cùng với đó, nhiều hệ thống hang động, hồ lớn có tiềm năng khai thác, phát triển các loại hình du lịch, như: Các hang động Tà Ẻn, Co Mon (xã Phiêng Khoài), hồ Mường Lựm, mó nước nóng Chiềng Đông… Cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện có phong tục, tập quán giàu bản sắc và là địa phương có vùng nông nghiệp trù phú với nhiều nông sản đặc trưng, như: Xoài, mận hậu, lê, nhãn... phù hợp với du lịch trải nghiệm.

Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài.

Dù có những hoạt động khai thác, nhưng du lịch ở đây vẫn còn hạn chế, các khu du lịch đều vẫn còn hoang sơ, chưa được kết nối; hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ; các khu lưu trú, dịch vụ ăn uống ít; kinh phí cho đầu tư, tôn tạo và nhận thức về phát triển du lịch của người dân... Việc mời gọi, thu hút đầu tư tại các điểm du lịch, các điểm dừng chân còn gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; doanh thu từ du lịch không đáng kể.

Hồ Mường Lựm được quy hoạch đưa vào khai thác du lịch sinh thái.

Trước thực trạng này, huyện Yên Châu đã nhiều lần họp bàn các giải pháp, phối hợp với các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế, lập quy hoạch, đề án thúc đẩy du lịch phát triển.

Đối với danh lam thắng cảnh hang Chi Đảy, huyện đã tiến hành quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 quần thể di tích, xây dựng Dự án “Khu du lịch văn hóa tâm linh Chi Đảy” với tổng diện tích gần 50 ha với các hạng mục dự kiến gồm: Tu bổ các hang động, lối lên xuống; tôn tạo các không gian thờ cúng; nâng cấp các trang thiết bị phục vụ du lịch, điểm dừng chân, bãi đỗ xe, khu dịch vụ đón tiếp, nhà ban quản lý...

Với điểm du lịch mó nước nóng xã Chiềng Đông, huyện đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, đánh giá thực trạng trữ lượng; chỉ đạo các phòng chức năng đẩy nhanh tiến độ giải quyết tranh chấp đất… để hoàn thiện quy hoạch du lịch; đề xuất liên kết điểm du lịch mó nước nóng với tham quan Di tích lịch sử Tượng đài chiến thắng Chiềng Đông.

Ngoài ra, huyện Yên Châu cũng lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Mường Lựm với diện tích 98 ha; xây dựng Đề án phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại bản Khá, xã Sặp Vạt; quan tâm phục dựng các lễ hội truyền thống thu hút khách du lịch, như: Lễ hội Đông Sửa, Hạn Khuống, cầu mưa của đồng bào dân tộc Thái; Lễ hội Mương A Ma của dân tộc Xinh Mun; Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú…

Du khách tham gia Lễ hội Đông Sửa tại bản Khá, xã Sặp Vạt.

Ông Phạm Đức Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Thời gian tới, huyện phối hợp các ban, ngành xúc tiến, kết nối, thu hút đầu tư để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, thực hiện các dự án, đề án; ưu tiên kêu gọi các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tôn tạo, kết nối các điểm tham quan; quan tâm hỗ trợ, nâng cao vai trò quản lý của các HTX du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với trải nghiệm tham quan các sản phẩm nông nghiệp; tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh danh thắng kết hợp giới thiệu các di tích lịch sử, nét đẹp văn hóa các dân tộc nhằm xây dựng hình ảnh, phát huy giá trị di tích, thu hút khách du lịch đến với Yên Châu.

Khai thác du lịch đúng hướng, hiệu quả và bền vững, rất cần có sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc giúp huyện Yên Châu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các điểm du lịch, xây dựng quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trọng tâm kết hợp với đào tạo nguồn lao động phục vụ du lịch tại chỗ.

Dẫu vậy, quan trọng hơn hết là địa phương cần xác định phát triển du lịch là nội dung trọng tâm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu xây dựng đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để khai thác tối đa thế mạnh của các loại hình du lịch; tạo điều kiện giúp du khách tiếp cận các điểm du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới