Tại hội đàm, Chủ tịch nước Lương Cường nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Macron và đoàn đại biểu cấp cao Pháp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, nhấn mạnh mối quan hệ gắn kết về lịch sử, văn hóa giữa hai nước; khẳng định chuyến thăm là minh chứng rõ nét cho quyết tâm đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp đi vào thực chất và hiệu quả.
Chủ tịch nước khẳng định, Pháp luôn có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, là quốc gia EU đầu tiên Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mức quan hệ cao nhất.
Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Pháp, ủng hộ Pháp có vai trò quan trọng trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Pháp ngữ và UNESCO.
Chủ tịch nước đề nghị, hai nước tiếp tục phát huy những lợi thế tương đồng nhằm cùng nhau ứng phó với các thách thức toàn cầu và xử lý hài hòa các vấn đề mới nổi của khu vực và thế giới.
![]() |
Các đại biểu Việt Nam tại cuộc hội đàm. |
Tổng thống Macron bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, nước có vai trò quan trọng trong ASEAN và trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp; cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đồng thời bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội vượt bậc mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua.
Chúc mừng vị thế và vai trò ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, Tổng thống Macron khẳng định, Pháp mong muốn cùng Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống, đặc biệt là y tế, giáo dục, văn hóa và mở rộng trên các lĩnh vực hợp tác mới như hạ tầng cơ sở, giao thông đô thị, hàng không vũ trụ, năng lượng mới, ký ức lịch sử…, tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hiện nay.
Trong không khí chân thành, hữu nghị và tin cậy, hai nhà lãnh đạo đã thông báo tình hình kinh tế, xã hội mỗi nước; đánh giá về các bước phát triển của quan hệ song phương trong thời gian qua, đồng thời trao đổi và thống nhất về các phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước trong thời gian tới.
![]() |
Các đại biểu Pháp tại hội đàm. |
Về chính trị-ngoại giao, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao trên tất cả các kênh; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đồng thời nghiên cứu thiết lập các cơ chế hợp tác mới; tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; nhất trí hai nước cần tiếp tục triển khai các thỏa thuận đã ký trong các lĩnh vực hợp tác quốc phòng-an ninh, trong đó có đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Lương Cường đã mời lãnh đạo cấp cao Pháp tham dự Lễ ký Công ước của Liên hợp quốc chống tội phạm mạng tại Hà Nội trong tháng 10/2025.
Về lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy triển khai và khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. Pháp sẽ thúc đẩy nhằm sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam, thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam và tạo điều kiện để Việt Nam tăng xuất khẩu thủy sản vào thị trường Pháp và EU.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và chuyển đổi số, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học, thúc đẩy chuyển giao và làm chủ công nghệ, đầu tư phát triển hạ tầng số.
![]() |
Toàn cảnh hội đàm. |
Hai nhà lãnh đạo thống nhất tiếp tục tăng cường và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác truyền thống như giáo dục-đào tạo, y tế và tư pháp cũng như trong lĩnh vực văn hóa-du lịch, nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đề nghị, Pháp tiếp tục hỗ trợ trong hợp tác phát triển thông qua tài trợ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ cho các dự án về tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng; Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án cụ thể trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng JETP.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Lương Cường cảm ơn và đề nghị Chính phủ Pháp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống và hội nhập tốt để tiếp tục có đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội của nước sở tại và tình hữu nghị giữa hai nước; đề nghị Pháp sớm khẳng định việc tổ chức Hội nghị hợp tác địa phương lần thứ 13.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng “4 không” trong quan hệ quốc tế.
Hai bên khẳng định vai trò thiết yếu của chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên hợp quốc giữ vị trí trung tâm.
Tổng thống Macron khẳng định ủng hộ lập trường ASEAN về Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là khuôn khổ pháp lý toàn diện cho tất cả hoạt động và hợp tác trên biển và đại dương; tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và ủng hộ mọi nỗ lực nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
![]() |
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác. |
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Pháp chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Các văn kiện hợp tác song phương, bao gồm:
- Ý định thư giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quân đội Pháp về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực trang bị quốc phòng.
- Ý định thư giữa Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Văn hóa Pháp trong lĩnh vực lưu trữ.
- Kế hoạch hợp tác năm 2025-2026 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
- Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tập đoàn Cơ quan Phát triển Pháp về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường 2025-2030.
- Ý định thư giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Giao thông Pháp về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải.
- Hiệp định hợp tác về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Chính phủ nước Việt Nam và Chính phủ Pháp.
- Ý định thư giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Kinh tế, Tài chính và Chủ quyền công nghiệp và số hóa Pháp về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
- Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp về hợp tác trong lĩnh vực nhận trở lại công dân.
- Thỏa thuận vay giữa Cơ quan Phát triển Pháp và Bộ Tài chính đại diện cho Chính phủ Việt Nam cho Dự án Chống hạn, xói lở, ngập lụt thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Ninh Thuận.
- Biên bản thống nhất hợp tác chung giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Airbus Defense and Space (Airbus) và Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Pháp (CNES) liên quan đến triển khai vệ tinh quan sát Trái Đất.
- Biên bản thỏa thuận hợp tác khai thác dự án Bến 7, 8 Lạch Huyện, Hải Phòng giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tập đoàn CMA-CGM (CMA Terminals).
- Hợp đồng tín dụng tài trợ dự án Tăng cường lưới điện truyền tải phía nam của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.
- Thỏa thuận đối tác về chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tại Việt Nam giữa Sanofi Pasteur và Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam VNVC.
- Hợp đồng mua bán 20 tàu bay thân rộng A330-900 giữa Vietjet và Airbus.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!