Dân tộc Lào sinh sống ở tỉnh Sơn La có khoảng 3.380 người, sinh sống chủ yếu ở một số địa phương dọc theo đường biên giới Việt Nam - Lào, trong đó nhiều nhất tại huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã. Nhà ở của người Lào là kiểu nhà sàn có hai mái dài và hai mái đầu hồi.
Phần đông người Lào làm ruộng nước là chính, nghề phụ gia đình của người Lào có: Dệt, rèn, gốm, làm đồ bạc khá phát triển.
Trang phục của người Lào ở Sơn La khá giống trang phục của người Thái Đen, so sánh chỉ khác biệt đôi chút. Phụ nữ Lào mặc váy đen quấn cao đến ngực, gấu váy thêu nhiều hoa văn sặc sỡ kiểu áo cánh ngắn bó thân với hàng khuy bạc phổ biến ở huyện Sông Mã. Cô gái Lào chưa chồng thường búi tóc ở giữa đỉnh đầu, đến khi có chồng để búi tóc lệch về bên trái. Phụ nữ Lào luôn đội khăn (piêu), đeo nhiều vòng ở cổ tay, xăm hình một loại hoa lá ở mu bàn tay.
Người Lào tin vào thuyết vật linh, thờ cúng tổ tiên và chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Trong năm, người Lào thường tổ chức nhiều lễ hội, tiêu biểu là lễ hội "Khẩu hó" (Tết cơm gói) được tổ chức vào dịp rằm tháng 8 âm lịch hằng năm, với ý nghĩa cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và tỏ lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho con cháu một năm làm ăn thuận lợi, nhà nhà sung túc, ấm no.
Người Lào có kho tàng văn học dân gian và văn hóa nghệ thuật phong phú và độc đáo, nổi bật là điệu múa Lăm Vông. Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa Lăm Vông là hát múa theo hình tròn. Điệu múa này, thường diễn ra trong các dịp lễ hội, đám cưới, hoặc các sự kiện quan trọng, thực hiện theo nhóm hoặc đôi, trong đó người múa di chuyển thành vòng tròn theo nhịp điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển của âm nhạc. Các động tác trong múa Lăm Vông đơn giản nhưng thanh lịch, thể hiện sự đoàn kết, lòng hiếu khách và tình yêu thương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!