Hiện nay, các chủ rừng quy mô nhỏ đang quản lý hơn 50% số diện tích rừng trồng trong cả nước. Đây là mô hình phổ biến nhất trong liên kết quản lý rừng bền vững và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), sau hơn 10 năm triển khai, nhất là sau khi Việt Nam hợp tác với Tổ chức Chứng chỉ rừng (PEFC) để thành lập Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia VFCS/PEFC được PEFC công nhận, tính đến nay, đã có hơn 520.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chiếm khoảng 13% tổng diện tích rừng trồng cả nước với nhiều loại mô hình quản lý, tổ chức sản xuất.
Hiện nay, ở Việt Nam có hai loại chứng chỉ rừng theo mô hình quản lý là Chứng chỉ đơn (cấp cho một chủ rừng) và Chứng chỉ nhóm (cấp cho nhiều chủ rừng liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững, trong đó chỉ định một chủ thể có tư cách pháp nhân đứng ra làm đại diện nhóm), chủ yếu là chủ rừng có quy mô diện tích rừng nhỏ.
Theo đó, về Chứng chỉ đơn, hiện tại chủ rừng là tổ chức (doanh nghiệp) được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với tổng diện tích là hơn 221.000 ha (chiếm khoảng 42,6%), trong đó 103.423 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC cho 24 chủ rừng và hơn 118.000 ha được cấp chứng chỉ VFCS/PEFC cho 18 chủ rừng.
Cả nước hiện có hơn hai triệu héc-ta rừng của chủ rừng là tổ chức đã được xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững, theo đó hơn ba triệu mét khối gỗ rừng trồng có chứng chỉ đi vào chuỗi cung ứng phục vụ chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu đưa Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Trong đó, phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030. Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và 6 tỷ USD vào năm 2030; hơn 80% số cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% số gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Ngành lâm nghiệp tiếp tục bảo vệ, khôi phục và phát triển vốn rừng; duy trì tỷ lệ che phủ của rừng ở mức ổn định 42-43% trong những năm tới. Ðồng thời, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu các loại rừng theo hướng hợp lý, bảo đảm đa dạng hóa nguồn thu gắn với việc duy trì và nâng cao chất lượng rừng và các loại hình dịch vụ hệ sinh thái rừng. Ðể phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả, ngành lâm nghiệp cũng cần đẩy mạnh theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp trong chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ. Đồng thời, ưu tiên phát triển theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị tăng cao...
Cục trưởng Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, để quản lý rừng bền vững, Nhà nước đã ban hành chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp.
Nhà nước tổ chức, hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sản xuất; giống cây trồng lâm nghiệp, phục hồi rừng, trồng rừng mới; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện dịch vụ môi trường rừng; trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn; kết cấu hạ tầng; quản lý rừng bền vững; chế biến và thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; khuyến khích sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; sản xuất lâm nghiệp hữu cơ; bảo hiểm rừng sản xuất là rừng trồng.
Đồng thời, Nhà nước bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ…
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!