Chú trọng tự động hóa trong sản xuất

Bắt nhịp với xu thế phát triển của khoa học, kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm cải tạo, nâng cấp và đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa, hướng tới mục tiêu xanh hóa trong sản xuất.

Băng tải đường tự động tại Nhà máy đường Sơn La.

Tiêu biểu trong hoạt động này có Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, từ năm 2018 đến nay đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp dây chuyền chế biến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để ổn định công suất gần 5.000 tấn mía cây/ngày. Trong đó, công đoạn chuẩn bị mía được thay thế hoàn toàn bằng thiết bị mới công nghệ hiện đại từ Ấn Độ để tăng hệ số chuẩn bị mía, giảm tổn thất đường qua bã mía. Hệ thống máy ép được nhập khẩu từ Công ty Ulka là nhà sản xuất máy ép hàng đầu của Ấn Độ để đạt công suất và hiệu suất ép theo chỉ tiêu. Các công đoạn chế luyện, kết tinh đường một số thiết bị đầu tư mới cũng được chọn, như thiết bị: Bốc hơi màng rơi, gia nhiệt nước mía trực tiếp, nồi nấu đường liên tục cho đường non B, C, nồi nấu đường non A, máy ly tâm A... là những thiết bị được chế tạo theo công nghệ mới, điều khiển tự động nên khi đưa vào vận hành sản xuất đạt hiệu quả cao.

Anh Hoàng Văn Ba, công nhân thực hiện vận hành giàn ép mía, nói: Toàn bộ hệ thống thiết bị thuộc công đoạn chuẩn bị mía, máy ép mía được điều khiển tự động hoàn toàn. Trước kia, cần 5 công nhân, nay chỉ cần 1 người vận hành toàn bộ giàn ép trên màn hình. Công ty đầu tư, đưa công nghệ tự động hóa vào sản xuất, giúp giải phóng sức lao động của công nhân.

Nói về việc tự động hóa trong sản xuất, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy sản xuất chế biến đường, cho biết: Đến nay, nhà máy thực hiện tự động hóa 40% công đoạn sản xuất, bảo đảm dây chuyền chế biến tiêu thụ hết sản lượng mía nguyên liệu cho bà con trong khung thời vụ. Niên vụ mía 2023-2024, nhà máy phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu mua sản xuất, chế biến kết thúc vụ trong tháng 4/2024.

Còn với Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản theo dây chuyền công nghệ hiện đại của các nước Italia, Nhật Bản và Trung Quốc, tổng công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm, gồm các dây chuyền sản xuất đông lạnh công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền đồ hộp công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sấy và các sản phẩm khác công suất 12.000 tấn sản phẩm/năm. Toàn bộ hệ thống máy móc sản xuất theo công nghệ hiện đại, các dây chuyền khi hoạt động, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, hoàn thiện về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Sơn La, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Khi thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ trên toàn thế giới, việc áp dụng công nghệ vào quản trị và tự động hóa doanh nghiệp là một điều tất yếu, giúp các doanh nghiệp phát triển bắt kịp với xu thế của thế giới.

Với doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, việc đưa tự động hóa trong sản xuất càng được chú trọng, nhằm giảm bớt sức lao động, đảm bảo an toàn lao động cho công nhân. Năm 2012, Công ty cổ phần Xi măng Mai Sơn thành lập và đi vào hoạt động, lắp đặt dây chuyền sản xuất tiên tiến và hiện đại nhất với hệ thống điều khiển tự động của châu Âu. Hiện nay, công ty có 258 cán bộ, công nhân làm việc ở 7 phòng chức năng và 2 phân xưởng. Quá trình sản xuất sản phẩm được giám sát, theo dõi qua hệ thống camera truyền dẫn về phòng điều khiển trung tâm. Tại các điểm: Lò nung clanke, tháp trao đổi nhiệt, cấp liệu cho lò nung, xưởng sản xuất xi măng... mỗi điểm có 1-2 công nhân trực giám sát dây chuyền, tới công đoạn cuối cùng xuất xưởng sản phẩm, mới có nhiều công nhân trực tiếp bốc xếp sản phẩm từ băng tải lên xe.

Ông Quách Hữu Toàn, Phó Giám đốc công ty, cho biết: Gần 100% công đoạn sản xuất xi măng của nhà máy đã thực hiện tự động hóa, quy trình sản xuất đều được điều khiển trên bảng điện tử thông qua hệ thống máy tính, tự động hóa trong sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm xi măng có nhiều thuận lợi, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng xi măng và clanker tiêu thụ hơn 400 nghìn tấn, trong đó, sản lượng xi măng tiêu thụ đạt hơn 300.000 tấn. Ước doanh thu năm 2023 của công ty đạt hơn 300 tỷ đồng.

Với việc mạnh dạn áp dụng những kỹ thuật tiên tiến mới trong sản xuất, tùy theo ngành sản xuất, nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, tự động hóa trong sản xuất từng phần hoặc toàn phần, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, góp phần tăng doanh thu, giảm chi phí và giảm thiểu phát thải ra môi trường, hướng tới sản xuất bền vững và xanh hóa trong sản xuất.

Bài, ảnh: Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới