Đưa các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể lên không gian số là nhiệm vụ quan trọng được Bảo tàng và Thư viện tỉnh triển khai trong những năm gần đây. Trong đó, có nội dung số hóa các di sản khảo cổ học của Sơn La nhằm bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản đặc biệt này phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, giáo dục về nguồn cội dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Hiện nay, Bảo tàng và Thư viện tỉnh đang lưu giữ, bảo quản hơn 11.000 hiện vật khảo cổ học được phát hiện, khai quật tại các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh. Các hiện vật có nhiều loại hình phong phú, như: Đá cuội, mảnh tước, mảnh gốm, mũi tên, vũ khí chiến đấu, đồ đựng, trống đồng, trang sức bằng đồng, di chỉ mộ táng còn di cốt tương đối nguyên vẹn… Đa số hiện vật được tìm thấy ở các di chỉ khảo cổ hoặc các tại những nơi trước đây là thềm sông Đà trù phú. Trong đó, có nhiều hiện vật có giá trị, nhất là bộ sưu tập 36 chiếc trống đồng hay những bộ hiện vật khá nguyên vẹn được khai quật từ các di tích khảo cổ, như: Mái đá bản Mòn ở Thuận Châu, hang Co Noong ở Mường La, hang Tắng ở Phù Yên, hang Lán Le ở Quỳnh Nhai... Qua giám định, các hiện vật được xác định có niên đại từ thời kỳ đồ đá cũ, thời kỳ đá mới và thời đại đồng thau, hình thành nên thời kỳ văn minh kim khí sau này. Đây là minh chứng sống động cho sự phát triển liên tục của cư dân cổ qua các thời kỳ từ thời nguyên thủy trên mảnh đất Sơn La.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng và Thư viện tỉnh, cho biết: Với hệ thống các hiện vật đang lưu giữ, chúng tôi đã lên kế hoạch để số hóa từng bước theo từng giai đoạn, xây dựng ngân hàng dữ liệu, quản lý bằng phần mềm, tạo thuận lợi cho việc quản lý, tra cứu, tìm hiểu. Số hóa được thực hiện theo chủ điểm bằng các đề tài khoa học, các dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn di sản để lưu giữ, bảo tồn giá trị các di sản đã được tìm thấy, góp phần phát huy giá trị lớn lao về văn hóa – lịch sử của các di sản khảo cổ Sơn La.
Trên thực tế, các di chỉ khảo cổ sẽ bị bào mòn hoặc bị xâm hại, mất dần theo thời gian. Chính vì thế, việc thực hiện các giải pháp chuyên ngành để bảo tồn giá trị di sản khảo cổ là vô cùng cần thiết. Từ nhiều năm trước, việc khai quật tại các di chỉ khảo cổ lớn đã được thực hiện, đưa các hiện vật giá trị về Bảo tàng và Thư viện tỉnh lưu giữ, bảo quản. Gần đây nhất, năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật di tích Mái đá Bản Mòn, thu được trên 1.000 hiện vật đồ đá đặc trưng của giai đoạn văn hóa Hòa Bình, niên đại 10.000 - 6.000 năm; gần 2.000 mảnh gốm có niên đại 3.000 năm; 1 rìu đồng đặc trưng cho văn hóa Đông Sơn miền núi.

Năm 2023, Bảo tàng và Thư viện tỉnh phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức khai quật di chỉ Hang Tắng, thu được được hàng trăm hiện vật, như: Rìu tứ giác, lưỡi cưa đá, bàn mài, đồ gốm trang trí hoa văn và cả di cốt người... có niên đại cách ngày nay hàng vạn năm, minh chứng cho sự phát triển của cư dân cổ từ cuối hậu kỳ thời đại đá cũ và hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí. Đây là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu lịch sử văn hóa, biên soạn địa chí và trưng bày phục vụ du lịch tại Bảo tàng tỉnh.
Trực tiếp tham gia khai quật khảo cổ tại di chỉ Hang Tắng, Phù Yên, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Hội Khảo cổ học Việt Nam, chia sẻ: Ngay sau khi khai quật được các hiện vật cổ, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng với Bảo tàng và Thư viện tỉnh thực hiện khâu xử lý hiện vật. Tiến hành giám định niên đại, phân loại hiện vật, đo đạc kích thước, chụp ảnh, xây dựng dữ liệu thông tin riêng về di chỉ Hang Tắng để phục vụ nghiên cứu khảo cổ sau này và làm căn cứ lập hồ sơ khoa học cho di tích khảo cổ của Sơn La.
.jpg)
Các hiện vật khảo cổ khi đưa về bảo tàng tỉnh đã được xử lý chuyên môn, phân loại và bảo quản theo từng kho hiện vật phục vụ cho công tác lưu giữ, bảo quản và xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu hiện vật theo phân loại. Từ năm 2020 đến nay, Bảo tàng và Thư viện tỉnh đã tiến hành số hóa hơn 3.000 hiện vật khảo cổ, chiếm lượng lớn trong số các tư liệu – hiện vật đã được số hóa tại đơn vị. Công tác số hóa được tiến hành theo từng di chỉ khảo cổ, trong đó, phân loại hiện vật theo loại hình (đá, gốm, đồng, xương cốt...), lập hồ sơ từng hiện vật, giới thiệu về lý lịch, niên đại... Từ đó xây dựng ngân hàng dữ liệu lưu trữ, hiện đang được sử dụng để phục vụ nhu cầu nghiên cứu văn hóa – lịch sử của bạn đọc khi đến Bảo tàng tỉnh và dùng làm dữ liệu cập nhật cho phần mềm quản lý hiện vật hiện đang được nghiên cứu, triển khai ứng dụng trong thời gian tới
Hiện nay, đơn vị đã hoàn thành lập hồ sơ của 16/36 trống đồng cổ với phần lý lịch hiện vật được mô tả cụ thể, các hình ảnh 3D, hình dập hoa văn mặt trống, khảo tả chi tiết, thông tin niên đại, ý nghĩa và giá trị lịch sử của hiện vật. Thông tin cơ bản về một số trống đồng cổ tiêu biểu đã được đưa lên website của Bảo tàng tỉnh Sơn La tại địa chỉ https://baotangsonla.vn/ phục vụ bạn đọc tìm hiểu, tra cứu. Mục tiêu trong giai đoạn 2022-2030, đơn vị sẽ thực hiện số hóa toàn bộ các hiện vật, tư liệu đang được lưu trữ tại bảo tàng tỉnh, trong đó có nhóm hiện vật khảo cổ.
Chị Lường Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tồn - Bảo tàng, thông tin: Hằng năm, chúng tôi tiến hành kiểm kê đồng bộ, nghiên cứu chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh tư liệu, hiện vật. Đây là tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện số hóa, chuyển đổi số các di sản khảo cổ và các di sản khác đang được Bảo tàng tỉnh lưu giữ.

Từ khảo sát, khai quật, xây dựng dữ liệu hiện vật đã giúp hình thành căn cứ lập hồ sơ khoa học các di chỉ khảo cổ được phát hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 di tích thuộc loại hình khảo cổ đã được phát hiện, lập hồ sơ khoa học theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, có 3 di tích khảo cổ cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh và 8 di tích chưa được xếp hạng. Cùng nhiều hang động tự nhiên khác đã được thăm dò bước đầu cho thấy chứng tích của cư dân cổ, như: Hang Hua Bó ở Mường La; hang Thẳm Mu ở Mai Sơn... Đây là dấu tích về sự tồn tại, phát triển của cư dân cổ, minh chứng cho lịch sử - văn hóa đa dạng và phong phú hàng vạn năm của Sơn La – Tây Bắc.
Số hóa di sản khảo cổ là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số để bảo tồn và phát huy giá trị ngàn đời về văn hóa – lịch sử dân tộc được hình thành trên mảnh đất Sơn La. Đây cũng là cách thể hiện sự trân trọng với di sản từ ngàn xưa để lại để thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ về cội nguồn dân tộc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!