Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh ta triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực trụ cột, là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Ban đầu còn khá e dè, ngại ngần với việc nhận chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng, đến nay, nhiều người dân từ thành thị đến vùng nông thôn của tỉnh đã khá quen thuộc trong việc nhận chi trả qua ngân hàng, nhanh gọn, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Bà Nguyễn Thị La, tổ 8, phường Quyết Thắng, Thành phố, chia sẻ: Mỗi lần đến điểm chi trả để lĩnh lương hưu, tôi phải mất cả buổi sáng xếp hàng chờ đợi. Giờ đây, việc chi trả lương hưu qua tài khoản tiện lợi hơn rất nhiều, có thể rút tiền lúc nào cũng được, hoặc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm.
Thanh toán không dùng tiền mặt là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Trong chi trả an sinh xã hội, ngành ngân hàng tích cực phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bưu điện tỉnh tuyên truyền, vận động các đối tượng mở tài khoản tại ngân hàng. Đến hết năm 2024, có 59,2% số người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội nhận tiền qua tài khoản; thực hiện chi trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng đạt 38,9%, tăng 22,5% so với cuối năm 2023, vượt mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, còn có mô hình đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử - VNeID. Từ ngày 28/10/2024, dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID của tỉnh đã được mở chính thức để thực hiện việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID. Chị Hờ Thị Mảy, bản Đông Sàn, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Năm ngoái, tôi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp để xin việc, chờ đợi rất lâu, phải kê khai qua giấy với nhiều thông tin; lần này, thủ tục kê khai trên ứng dụng VneID rất nhanh gọn, lại theo dõi được quá trình xử lý hồ sơ và chỉ mất 7 ngày là được cấp phiếu lý lịch điện tử.
Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các tiện ích của Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp, tập trung vào 5 nhóm tiện ích: Pháp lý, dữ liệu, hạ tầng công nghệ, an ninh an toàn, nguồn lực. Trong đó, đã triển khai 29/30 mô hình thuộc Đề án 06 đã đăng ký, góp phần ứng dụng hiệu quả tiện ích của dữ liệu dân cư, căn cước công dân, căn cước, định danh và xác thực điện tử trên các lĩnh vực.
Vui mừng trước những thành quả mà Đề án 06 mang lại, Đại tá Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thông tin: Công an tỉnh đã phát động cao điểm triển khai thi hành Luật Căn cước, đồng loạt ra quân cấp thẻ căn cước từ ngày 1/7/2024; tuyên truyền, hướng dẫn công dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử. Đến nay, đã thu nhận 100.000 hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân ở các nhóm tuổi, kích hoạt trên 600.000 tài khoản định danh điện tử; trên 1 triệu thẻ căn cước công dân, trên 100 thẻ căn cước mẫu mới cho công dân thuộc các nhóm tuổi; triển khai các tiện ích trên ứng dụng VneID.
Năm 2025, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; duy trì đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Với những tiện ích của Đề án 06, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu được thụ hưởng những thành quả nhất định, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!