Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sắp xếp cơ cấu ngành, nghề phù hợp với tình hình phát triển KT-XH, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, qua rà soát, hoạt động đào tạo, dạy nghề tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bộc lộ bất cập, cần sớm có giải pháp tháo gỡ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thực trạng cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, có chức năng đào tạo lực lượng lao động thuộc lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Hằng năm, tỷ lệ tuyển sinh của trường đạt và vượt chỉ tiêu giao; trên 70% cán bộ quản lý, nhà giáo có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng, cho biết: Trường đào tạo 800 - 1.000 học viên/năm hệ cao đẳng, trung cấp và 1.200 học viên/năm hệ sơ cấp. Ngoài ra, tuyển sinh, đào tạo và phối hợp với Sở Giao thông Vận tải sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A1 tại các huyện từ 1.000 - 1.500 học viên/năm. Quá trình đào tạo, trường thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho học viên thực tập nâng cao và hoàn thiện kỹ năng nghề. Sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ học viên có việc làm ổn định, như nghề công nghệ ô tô, hàn, xây dựng và điện công nghiệp đạt 80-85%; công nghệ thông tin đạt 50-55%, thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng.
Còn Trường cao đẳng Y tế Sơn La có chức năng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực y tế trong tỉnh và các tỉnh nước CHDCND Lào với các nhóm ngành chủ yếu là điều dưỡng, dược, hộ sinh. Nhà trường phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Chất lượng hướng dẫn thực tế và việc quản lý sinh viên thực tập tại bệnh viện nâng lên rõ rệt; tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, trong đó 80% đạt loại khá trở lên; trên 70% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ổn định.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Sơn La, chia sẻ: Năm học 2022-2023, trường có trên 780 học sinh, sinh viên; trong đó, gần 130 lưu học sinh Lào. Nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đổi mới phương pháp dạy học; đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ công tác giảng dạy, thực hành, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tập trung phát triển quy mô đào tạo; huy động nguồn lực thực hiện dự án xây dựng trường tại địa điểm mới; chuẩn bị các điều kiện hoàn thành Đề án nâng cấp lên Trường đại học Y dược.
Hiện nay, toàn tỉnh có 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm các trường: Cao đẳng Sơn La; cao đẳng Y tế Sơn La; cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La; trung cấp Luật Tây Bắc; trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Sơn La. Các trường cơ bản được đầu tư cơ sở vật chất; quy mô, cơ cấu ngành nghề mở rộng; chú trọng việc dạy nghề, góp phần nâng số lao động đã qua đào tạo ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dân số độ tuổi lao động của tỉnh.
Tuy nhiên, qua rà soát, còn một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trùng nhau về mã ngành đào tạo; phương thức đào tạo không có sự thống nhất; đào tạo chủ yếu dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh một số trường gặp nhiều khó khăn, dẫn đến quy mô lớp, sinh viên giảm mạnh; cơ cấu ngành, nghề tại các trường trung cấp chưa hợp lý, thiếu gắn kết với nhu cầu địa phương... Trong đó, Trường cao đẳng Sơn La, quy mô đào tạo của trường giai đoạn cao nhất trung bình 7.000 sinh viên/năm. Song, 5 năm gần đây, trung bình có khoảng 2.500 sinh viên/năm, mã ngành công tác xã hội, khuyến nông, văn thư hành chính không đạt chỉ tiêu tuyển sinh đề ra.
Còn Trường trung cấp Luật Tây Bắc có chức năng đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp về lĩnh vực pháp luật; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, khoa học pháp lý cho tỉnh Sơn La và các tỉnh khu vực Tây Bắc. Từ tháng 4/2022, Bộ Tư pháp chuyển giao trường về UBND tỉnh quản lý; cơ sở vật chất của trường xây mới, đồng bộ với tổng diện tích 11,5 ha, nhưng quy mô tuyển sinh chỉ đạt 150 học viên/năm; gây lãng phí nguồn lực đầu tư; có 2/7 mã ngành đào tạo trùng với Trường cao đẳng Sơn La.
Kiện toàn, sắp xếp lại
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án kiện toàn, sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp. Theo đó, sáp nhập Trường trung cấp Luật Tây Bắc và Trường trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Sơn La vào Trường cao đẳng Sơn La; giữ nguyên Trường cao đẳng Y tế Sơn La, Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La và tiếp tục rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
Dự kiến sau sáp nhập, Trường cao đẳng Sơn La hoạt động theo hướng đa ngành, hướng tới thực hiện cơ chế tự chủ với phương thức đào tạo linh hoạt hơn, quy mô của trường dự kiến tăng 8.000-10.000 học sinh, sinh viên. Căn cứ điều kiện thực tế, trường đóng, mở các mã ngành phù hợp với nhu cầu xã hội. Đối với các khoa, phòng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng sẽ sắp xếp, sáp nhập để tập trung nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên; các khoa, phòng có chức năng, nhiệm vụ riêng biệt sẽ giữ nguyên. Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư do trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn, không bố trí được việc làm, nhà trường xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp theo nhu cầu thực tế, hoặc tinh giản biên chế theo quy định.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Kết quả khảo sát thị trường lao động tại tỉnh, đến năm 2030, toàn tỉnh cần trên 100.000 nhân lực ở các ngành nghề. Việc sáp nhập các trường trung cấp vào Trường cao đẳng Sơn La phù hợp với xu thế phát triển, khắc phục hạn chế, khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng của các trường trước đây. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo; cung ứng nhiều loại hình dịch vụ giáo dục - đào tạo, văn hóa, nghệ thuật, du lịch và các lĩnh vực khác theo nhu cầu xã hội. Nhất là nhu cầu ngày càng tăng cao về đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn; giáo dục kỹ năng sống; tổ chức sự kiện... Sau khi sáp nhập, đáp ứng nhu cầu đào tạo và đảm bảo tự chủ một phần cho Trường cao đẳng Sơn La.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Ngày 10/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm: Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thống nhất đầu mối quản lý một số trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Như vậy, việc triển khai Đề án sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh sẽ tinh gọn bộ máy, không còn trường trung cấp thuộc tỉnh; giảm đầu mối thực hiện chức năng, nhiệm vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp; giảm tình trạng trùng lặp ngành, nghề đào tạo, cạnh tranh trong tư vấn, tuyển sinh, tránh lãng phí các nguồn lực đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Sau khi kiện toàn, sáp nhập các trường cao đẳng, trung cấp sẽ giảm 1 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, 1 đơn vị sự nghiệp thuộc sở; giảm 12 đầu mối phòng, khoa và tương đương thuộc 2 trường trung cấp. Về biên chế và cán bộ, giáo viên, nhân viên, giảm 2 lãnh đạo đứng đầu đơn vị, 12 lãnh đạo cấp phòng và tương đương; không làm phát sinh thêm biên chế được giao; đồng thời, giảm đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí chi thường xuyên một cách dàn trải.
UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nội vụ tiếp tục xin ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan; tổ chức họp tư vấn thống nhất nội dung Đề án kiện toàn, sắp xếp các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh để trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét ban hành quyết định sáp nhập Trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Sơn La và Trường trung cấp Luật Tây Bắc vào Trường cao đẳng Sơn La. Sau khi có quyết định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan kiện toàn, sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn và bàn giao cơ sở vật chất, nhân sự; dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2023.
Việc kiện toàn, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đang là bước cụ thể hóa hiện thực mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Sơn La phấn đấu tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội giảm xuống còn 58,9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; tỷ lệ lao động được cấp bằng, chứng chỉ đạt 30%..., góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!