Năm 2023, tỉnh Sơn La dự kiến sáp nhập 138 bản thành 67 bản tại 8 huyện, thành phố. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương rà soát, xây dựng phương án, thực hiện quy trình sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu không đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Trong năm nay, huyện Yên Châu tiếp tục sáp nhập 15 bản thành 7 bản thuộc 2 xã Tú Nang và Sặp Vạt; trong đó, 11 bản thuộc diện bắt buộc và 4 bản diện khuyến khích. Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Qua các đợt sáp nhập, tổng số bản trên địa bàn huyện giảm từ 196 bản xuống còn 173 bản. Tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu, tổ dân phố chưa đảm bảo quy mô số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh năm 2023, huyện đã thành lập các tổ công tác, chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về mục đích, yêu cầu của việc sáp nhập; tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân của các bản thuộc diện sáp nhập; tích cực tham gia xây dựng tổ chức và hoạt động ở bản.
Tại xã Tú Nang với trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số, mật độ dân cư thưa thớt, khoảng cách giữa các bản cách nhau từ 0,2-0,5 km. Ông Vì Hưng Hiệu, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Theo lộ trình năm 2023, xã sẽ sáp nhập từ 23 bản xuống còn 16 bản. Đến nay, xã đã xây dựng xong đề án sáp nhập và đang triển khai các bước về dự kiến phương án nhân sự để lấy ý kiến các tổ chức, đoàn thể và nhân dân. Sau khi tổ chức họp, xin ý kiến nhân dân các bản cần sáp nhập, hầu hết đều đồng thuận. UBND xã đã xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập, đảm bảo đúng nội dung, trình tự, yêu cầu theo quy định.
Còn ở huyện Thuận Châu, qua các đợt sáp nhập, tổng số bản trên địa bàn giảm từ 570 bản xuống còn 355 bản. Năm 2023, huyện đề xuất sáp nhập 42 bản thành 20 bản tại 12 xã. Bà Lường Thùy Dung, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thuận Châu, cho biết: Là địa phương có số đơn vị hành chính nhiều nhất tỉnh với 29 xã, thị trấn nên huyện cũng có số bản, tiểu khu phải sắp xếp, sáp nhập lớn. Từ đầu năm đến nay, huyện đã chỉ đạo, đôn đốc các xã rà soát, xây dựng dự thảo phương án sắp xếp, sáp nhập. Các xã đang rà soát, thống kê về diện tích, số hộ, cơ sở vật chất, nắm bắt tư tưởng của cán bộ và nhân dân để đưa ra lộ trình sáp nhập phù hợp, theo quy định. Đồng thời, tiến hành họp lấy ý kiến của cử tri về phương án sáp nhập, tên gọi của bản mới; thống nhất phương án sáp nhập, đối thoại, giải đáp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Noong Bổng và Nậm Giắt là 2 bản của xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu nằm trong diện sáp nhập đợt này. Ông Thào A Sênh, Trưởng bản Nậm Giắt, bộc bạch: Sau khi thấy rõ hiệu quả hoạt động các bản liền kề sau sáp nhập những năm trước, nên khi có chủ trương và được tuyên truyền về mục đích của việc sáp nhập, các hộ trong bản đều cơ bản đồng tình. Hy vọng sau sáp nhập, số hộ gia đình và lực lượng đảng viên tăng lên, việc huy động nguồn lực, sức dân tham gia các công việc chung của bản sẽ thuận lợi hơn.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, giai đoạn từ năm 2018-2022, toàn tỉnh đã thực hiện 5 đợt sắp xếp, sáp nhập bản; giảm từ 3.324 bản xuống còn 2.303 bản. Sau sắp xếp, sáp nhập các bản đã giảm được số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách Nhà nước, đầu mối giải quyết công việc được thu gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Toàn tỉnh đã giảm 5.105 chi hội; giảm 9.189 người hoạt động không chuyên trách và người hưởng hỗ trợ; kinh phí tiết kiệm tương ứng khoảng 75 tỷ đồng/năm. Nhất là chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi bộ bản nâng lên, thể hiện vai trò lãnh đạo ở cơ sở.
Năm 2023, toàn tỉnh dự kiến tiếp tục sáp nhập đối với 138 bản thành 67 bản tại 8 huyện, gồm: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Thuận Châu, Mường La. Trong tổng số 138 bản, có 101 bản thuộc diện bắt buộc phải sáp nhập, chiếm 73,1%; 37 bản thuộc diện khuyến khích.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, Sở Nội vụ đang tiếp tục hướng dẫn, thường xuyên đôn đốc các địa phương triển khai quy trình sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tiến độ với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh để nắm bắt kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu trên địa bàn; đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để kiến nghị các cấp, các ngành kịp thời xem xét, giải quyết; từ đó, đưa ra các giải pháp để nhận được sự đồng thuận của người dân.
Cùng với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thuận của nhân dân, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục triển khai việc sắp xếp, sáp nhập đảm bảo tiến độ đề ra; góp phần tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thuận tiện trong công tác quản lý, giảm bớt chi phí cho bộ máy hoạt động ở bản, tiểu khu, tổ dân phố.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!