Bám sát chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh và nhiệm vụ của ngành, Sở Tư pháp đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cải cách hành chính trên các lĩnh vực của ngành, góp phần đảm bảo hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với cải cách tư pháp.
Bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin: Sở đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính; tổ chức đối thoại trực tiếp với tổ chức, công dân về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý. Xây dựng, kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia; khắc phục tồn tại, hạn chế chỉ số cải cách hành chính; rà soát, đánh giá thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng giải quyết.
Sở Tư pháp đang thực hiện 200 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền. Để giảm thời gian, chi phí đi lại của cá nhân, tổ chức, Sở đã nghiên cứu, rà soát cắt giảm 25% thời gian giải quyết các TTHC. Đồng thời, cập nhập, tích hợp, công khai các TTHC trên cổng dịch vụ công quốc gia; niêm yết trả kết quả TTHC của Sở tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở và tại trụ sở cơ quan. Trong quý I năm nay, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của Sở tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 864 hồ sơ của tổ chức, cá nhân, trong đó hoàn thành giải quyết 684 hồ sơ. Bên cạnh đó, Sở triển khai hiệu quả việc tiếp nhận và trả kết quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần, với 581 hồ sơ, đạt 82%. Ngoài ra, Sở đã phối hợp thực hiện tiếp nhận và giải quyết 277 hồ sơ qua bưu chính công ích.
Chị Cầm Thị Mai Lưu, cán bộ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận một cửa của Sở Tư pháp, cho biết: Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình có xu hướng tăng. Nhân dân, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện dịch vụ tại bất cứ đâu, thông qua mạng internet. Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC dịch vụ công trực tuyến toàn trình không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của nhân dân, doanh nghiệp, mà còn tăng tính công khai, minh bạch của TTHC, giảm tải cho bộ phận một cửa, góp phần xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số.
Đến nhận hồ sơ lý lịch tư pháp tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, chị Điêu Thị Nhẫn, huyện Mai Sơn, cho biết: Tôi đến nhận kết quả theo phiếu hẹn. Quá trình nộp và nhận kết quả đều thuận lợi, được cán bộ hướng dẫn cụ thể, nên không mất nhiều thời gian. Tôi hài lòng với dịch vụ như hiện nay.
Bên cạnh đó, đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin của Sở cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động và giải quyết TTHC. 100% cán bộ, công chức, viên chức được bố trí máy tính kết nối Internet và sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc; 95% văn bản, tài liệu phát hành được ký số; 95% văn bản, tài liệu hành chính thông thường được trao đổi với các cơ quan, đơn vị dưới dạng điện tử...
Hiện nay, Sở Tư pháp đang tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành. Đề cao trách nhiệm cá nhân của từng công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thường xuyên cập nhật thông tin lên cổng thông tin điện tử, đặc biệt là TTHC để thuận lợi cho nhân dân tra cứu. Tích cực sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành công việc, nhằm rút ngắn thời gian hội họp, giảm giấy tờ hành chính.
Với những việc làm cụ thể trong quản lý, điều hành, công tác cải cách hành chính của Sở Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả, góp phần xây dựng ngành Tư pháp ngày càng vững mạnh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!