Kiểm tra công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính

Cùng với nỗ lực cải cách hành chính, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ cải cách hành chính được xem là một trong những giải pháp quan trọng, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của các đơn vị, địa phương, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ ở cơ sở.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Công tác kiểm tra thực hiện cải cách hành chính luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, từ việc ban hành kế hoạch đến tiến hành kiểm tra thực tế. Hằng năm, UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó, Sở Nội vụ là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên CCHC tại các cơ quan, địa phương, đơn vị. 

Kiểm tra công tác CCHC tại UBND xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu.

Với 20 sở, ngành và 12 huyện, thành phố, mỗi năm đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra ít nhất 30% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện; các đơn vị, địa phương kiểm tra luân phiên, chỉ quay lại kiểm tra khi thấy cần thiết với hình thức kiểm tra đột xuất, trên tinh thần “kiểm tra tới đâu, chấn chỉnh tới đó”. Trong đó, chú trọng 6 nội dung trọng tâm về công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm soát TTHC, nhất là vấn đề rà soát, đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; cập nhật, đề nghị công bố, công khai TTHC; thực hiện nội quy, quy chế cơ quan của cán bộ, công chức, viên chức; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính, TTHC...

Thông qua kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong hồ sơ giải quyết TTHC; trong đó, chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội, bảo trợ xã hội; tình trạng giải quyết TTHC quá hạn; số TTHC phát sinh hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến còn thấp; việc sử dụng chữ ký số, kỹ năng tác nghiệp trên phần mềm của một bộ phận công chức cấp xã còn yếu, chưa phát hiện được các sai sót trong thành phần hồ sơ...

Tháng 7/2023, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về CCHC đã kiểm tra Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Mường Bú, huyện Mường La, phát hiện 70% công chức không thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử công vụ; chế độ thông tin, báo cáo chưa đúng quy định; địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân chưa được xã niêm yết đầy đủ.

Ông Điêu Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bú, cho biết: Tiếp thu ý kiến của đoàn kiểm tra, xã đã niêm yết các TTHC theo quy định, công khai địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân tại bộ phận tiếp công dân. Gắn bảng thông báo lịch công tác tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã, có ghi tên, số điện thoại liên hệ của từng công chức phụ trách từng lĩnh vực. Công việc của từng công chức được cập nhật hằng ngày để người dân thuận tiện theo dõi, liên hệ khi cần thiết. 100% cán bộ, công chức sử dụng hộp thư công vụ trong công việc; việc nộp báo cáo định kỳ đúng thời gian quy định.

Còn tại UBND xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, sau đợt kiểm tra về công tác CCHC giữa tháng 8 vừa qua, đã phát hiện xã chưa rà soát, cập nhật, niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các TTHC; hồ sơ giải quyết TTHC thiếu phiếu hẹn trả kết quả; sổ tiếp nhận, theo dõi và trả kết quả ghi chưa rõ ràng. Ông Phạm Văn Thảnh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã thay mới bảng niêm yết danh mục các TTHC, chỉ đạo công chức rà soát, niêm yết công khai, đầy đủ danh mục các TTHC theo từng lĩnh vực, đặt sổ theo mẫu để công chức theo dõi thực hiện các TTHC. Đối với các hồ sơ thuộc lĩnh vực tư pháp - hộ tịch; địa chính; lao động, thương binh và xã hội, nếu không kịp trả kết quả trong ngày, thì công chức phải ghi giấy tiếp nhận, hẹn trả kết quả cho người dân đúng quy định.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết thêm: Những tháng cuối năm, khối lượng hồ sơ, TTHC của người dân, doanh nghiệp cần được giải quyết tại các cơ quan, địa phương còn khá lớn. Sở tiếp tục phối hợp tham mưu thực hiện tốt công tác kiểm tra công vụ; hình thức kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất không báo trước thời gian, địa điểm, đơn vị kiểm tra. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quá trình giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Việc thường xuyên kiểm tra công tác CCHC là rất cần thiết, kịp thời phát hiện những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; chấn chỉnh, thực hiện các biện pháp khắc phục, góp phần xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới