Hướng đến sự hài lòng của tổ chức và cá nhân

Năm 2023, chỉ số PAPI tỉnh Sơn La được 42,39 điểm, tăng 1,52 điểm so với năm 2022, thuộc 15-16 tỉnh/thành phố trong nhóm điểm trung bình - cao; đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố; tăng 16 bậc so với năm 2022. Đây là kết quả của sự quyết liệt đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính của tỉnh.

Giọng nữ
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân tháng 3/2024.

Quyết liệt, đổi mới trong CCHC

Với tinh thần quyết liệt đổi mới, sáng tạo, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án và kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025; ban hành kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh với 41 nhiệm vụ; đồng thời, giao cho 35 ngành thành viên triển khai thực hiện.

UBND tỉnh duy trì Tổ công tác 1169 của Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. UBND tỉnh thực hiện chấm điểm chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, buộc các cơ quan, địa phương phải thay đổi tư duy, hành động quyết liệt mới có thể giành thứ hạng cao. Sau mỗi kỳ công bố kết quả chỉ số CCHC, đã họp bàn, tổ chức các hội nghị để phân tích, đánh giá chỉ số và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC những năm tiếp theo.

Trọng tâm là tập trung phân tích những điểm, tiêu chí còn thấp, như tiêu chí về trễ hẹn, tiêu chí về xin lỗi vì trễ hẹn, tiêu chí trách nhiệm giải trình với người dân... dẫn đến hạn chế trong công tác CCHC; một bộ phận người dân chưa thật sự hài lòng về kết quả giải quyết TTHC. Từ đó, đưa ra giải pháp để khắc phục, nâng cao điểm số thành phần.

Xác định vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, định kỳ hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân để giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của nhân dân; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách, TTHC, bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện CCHC; ban hành kế hoạch thực hiện CCHC hằng năm, thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung CCHC, thời gian thực hiện, đơn vị chịu trách nhiệm điều hành, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Những chỉ đạo quyết liệt trong công tác điều hành là “chìa khóa” để tỉnh gỡ dần những “nút thắt” trong thực hiện công tác CCHC; quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện những giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC đã từng bước đưa nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ.

Lãnh đạo UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể.

Kết quả nổi bật

Kết quả công bố của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023, tỉnh Sơn La năm 2023 được 42,39 điểm, tăng 1,52 điểm so với năm 2022, thuộc 15-16 tỉnh/thành phố trong nhóm điểm trung bình - cao; đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố; tăng 16 bậc so với năm 2022. Trong 8 chỉ số nội dung của chỉ số PAPI, tỉnh Sơn La có 6 chỉ số tăng điểm, gồm: tham gia người dân cấp cơ sở; công khai minh bạch trong quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Quyết tâm nâng cao thứ hạng Chỉ số PAPI năm 2024, phấn đấu xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao trở lên. Ngày 12/1/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 56/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công năm 2024; Quyết định số 375/QĐ-UBND ngày 29/2/2024 ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án “Hỗ trợ cải thiện Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025” năm 2024.

Đối với các ngành thành viên, triển khai có hiệu quả Kế hoạch tuyên truyền công tác CCHC năm 2024; đề ra 5 mục tiêu, 6 yêu cầu và 11 nội dung chủ yếu. Công tác thông tin, tuyên truyền CCHC tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, tập trung chuyển tải các nội dung trọng tâm của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch tuyên truyền, kịp thời phổ biến, cập nhật các thông tin về chủ trương, chính sách, kết quả nổi bật trong công tác CCHC và được thực hiện qua nhiều kênh tuyên truyền đa dạng, nội dung phong phú, sát thực tiễn.

Thực hiện nhiệm vụ CCHC, các sở, ngành đã ban hành kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Tiêu biểu, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp; tập trung rút ngắn tối thiểu 20% thời gian giải quyết TTHC, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, trong đó, thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn 2 ngày; ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch năm 2024. Tiếp tục làm tốt việc hỗ trợ, thu hút đầu tư; rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn. Trong quý I năm 2024, tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đăng ký 19 tỷ đồng.

Với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu triển khai việc xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với CCHC. Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Sở đã hỗ trợ tích hợp đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử (SSO) trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Sơn La; rà soát, đánh giá, cấu trúc quy trình đối với các nhóm TTHC, dịch vụ công trực tuyến liên thông theo Quyết định 206/QĐTTg; tích hợp SSO và xây dựng tính năng làm sạch tài khoản trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; tiếp tục hỗ trợ cài đặt và sử dụng chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng cho cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Sơn La; tích hợp chữ ký số chuyên dùng vào các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Đến ngày 15/3/2024, tỉnh Sơn La, có 1.234 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp, trong đó, 89 dịch vụ công trực tuyến một phần, 1.145 dịch vụ công trực tuyến toàn trình: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến qua các dịch vụ công 36.606/39.907 hồ sơ, đạt 91.73%; tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến 211/262 dịch vụ, đạt 80.53%.

Nhân dân đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh.

Nhiệm vụ trọng tâm

Tổ chức triển khai các nhiệm vụ đề ra theo Kế hoạch CCHC tỉnh Sơn La năm 2024 toàn tỉnh tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các nội dung về CCHC gắn kết đồng bộ với Đề án CCHC trong Đảng; triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao các chỉ số thành phần đạt điểm cao; rà soát, đánh giá chính xác những hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục các nội dung giảm điểm, đạt điểm thấp đối với các chỉ số.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh đang đẩy mạnh rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, tạo đột phá, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; bố trí nhân lực, tài chính, thời gian, các nguồn lực cần thiết, có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị, địa phương trong triển khai nội dung, nhiệm vụ CCHC.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra CCHC, kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý. Kịp thời, phát hiện chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, góp phần cải thiện sự hài lòng của tổ chức, cá nhân.

Đẩy nhanh rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Nhất là, triển khai Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024; cập nhật, kết nối các thông tin, cơ sở dữ liệu trên các lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu của tỉnh để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Đẩy mạnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; triển khai mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện TTHC công, trên các lĩnh vực thuế, ngân hàng.

Bài, ảnh: Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới