Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đã và đang được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Lộ trình phù hợp, quyết tâm cao
Trước khi thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, toàn tỉnh có 1.262 đơn vị sự nghiệp công lập, hơn 30.500 người lao động. Qua đánh giá, hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều hạn chế, hệ thống cồng kềnh, chồng chéo về nhiệm vụ; một số đơn vị hiệu quả hoạt động thấp, thậm chí không hiệu quả; số lượng người làm việc trong các đơn vị ngày càng tăng, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, nhưng chất lượng hoạt động chưa cao…
Bước vào thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tỉnh Sơn La gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, do việc tuyên truyền, rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị chậm; tính chủ động, tích cực trong nghiên cứu, đề xuất các biện pháp đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập hạn chế, chưa được chú trọng. Mặt khác, việc sắp xếp cũng ảnh hưởng đến quyền lợi, chế độ, chính sách một bộ phận cán bộ, viên chức...
Với quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là người đứng đầu các cấp, đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai khẩn trương, nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW. UBND tỉnh thành lập 12 tổ nghiên cứu, ban hành 14 đề án sắp xếp, kiện toàn đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực. Đồng thời, ban hành các quyết định giao tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập; chỉ đạo các đơn vị không cắt giảm cơ học, căn cứ tình hình thực tế, thực hiện một cách phù hợp, có lộ trình.
Các cơ quan tập trung rà soát, xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng như sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các đơn vị. Biên chế sự nghiệp được tinh giản theo hướng cơ cấu lại đội ngũ viên chức, bố trí theo vị trí việc làm nhưng đảm bảo đủ số lượng người làm việc cho các đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp công lập từng bước nâng dần mức độ tự chủ của đơn vị, giảm dần chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước; chủ động sử dụng nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động.
Những kết quả tích cực
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc lớn. Trước khi thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổ chức bộ máy của Sở có 5 phòng, 7 chi cục, 5 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, 41 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các chi cục. Sau khi sắp xếp, bộ máy tổ chức có 6 phòng, 4 chi cục và Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới, 3 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở; trong đó, tăng 1 phòng do chuyển nhiệm vụ chuyên môn của các chi cục được giải thể về Sở. Riêng 41 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các chi cục được sắp xếp lại thành 6 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các chi cục và 12 đơn vị sự nghiệp cấp huyện. Theo đánh giá, sau khi thực hiện sáp nhập, tổ chức bộ máy của ngành cơ bản được tinh gọn, khắc phục tình trạng trùng lặp về chức năng nhiệm vụ; tạo thuận lợi trong quản lý, chỉ đạo chuyên môn.
Ông Cầm Bun Păn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: Việc sáp nhập, sắp xếp giúp Chi cục bổ sung, củng cố nguồn nhân lực có kinh nghiệm chuyên môn. Đồng thời, quản lý Nhà nước về lĩnh vực thủy lợi, nước sạch nông thôn và phòng chống thiên tai được tập trung về một đầu mối, giảm các thủ tục hành chính. Đơn vị từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ở huyện Yên Châu, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, toàn huyện giảm 20 đơn vị sự nghiệp công lập, chiếm 29% so với tổng số đơn vị thời điểm 2015, từ 69 đơn vị còn 49 đơn vị. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp, huyện giải thể 3 đơn vị: Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y, Trạm Kiểm định chất lượng nông - lâm - thủy sản để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Lĩnh vực văn hóa, sáp nhập Trung tâm Văn hóa - thông tin với Đài Truyền thanh - Truyền hình thành Trung tâm Truyền thông - Văn hóa. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, sau khi sáp nhập liên cấp tiểu học và THCS giảm 16 đơn vị trường học trực thuộc UBND huyện, giảm 12% biên chế so với năm 2015...
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Huyện chỉ đạo các đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được giao theo mô hình mới. Các đơn vị kiện toàn tổ chức, các đoàn thể, xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, quy chế làm việc, quy chế phối hợp; sắp xếp, bố trí nhân sự; phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên trong các bộ phận, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Sau sáp nhập, hoạt động các cơ quan, đơn vị từng bước ổn định; nhiệm vụ sát với thực tế, không có hiện tượng chồng chéo, hiệu quả công việc nâng lên; giảm bớt đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng.
Không chỉ rà soát, sắp xếp sáp nhập các đơn vị, việc tự chủ tài chính được nhiều cơ quan, đơn vị đồng thuận triển khai khi được cho là giải pháp “cởi trói” để các đơn vị sự nghiệp công phát triển, đồng thời, giảm áp lực tài chính cho ngân sách Nhà nước. Ông Đỗ Xuân Thụ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khẳng định: Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện hạng I, quy mô 550 giường bệnh, là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ toàn bộ chi thường xuyên. Việc giao tự chủ tài chính là động lực để bệnh viện đổi mới phong cách phục vụ; quan tâm đào tạo cán bộ, bác sỹ, nhất là chuyên khoa sâu, tiếp nhận triển khai nhiều kỹ thuật mới; trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân...
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, toàn tỉnh đã thực hiện giảm 326 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, từ 1.262 đơn vị xuống còn 936 đơn vị. Cụ thể, lĩnh vực y tế, giảm 12 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình, 4 trung tâm thuộc tỉnh và 12 phòng khám đa khoa khu vực. Lĩnh vực nông nghiệp, giảm 37 đơn vị; giáo dục và đào tạo, giảm 242 trường; văn hóa, thể dục, thể thao giảm 15 đơn vị...
Về tổ chức bộ máy, sau sắp xếp, toàn tỉnh giảm 90 đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 227 đầu mối phòng, ban trực thuộc đơn vị sự nghiệp; giảm 1.137 lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, huyện. Đến hết năm 2022, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm trên 3.244 người so với năm 2015, đạt tỷ lệ 10,6%.
Thực hiện lộ trình tự chủ, chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, đã chuyển đổi 5 đơn vị thành công ty cổ phần; 2 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư; 42 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; 22 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.
Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Sơn La phấn đấu tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021; tăng mức tự chủ tài chính đảm bảo theo quy định; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về tính cấp thiết và hiệu quả của việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các đơn vị sự nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau sắp xếp, kiện toàn. Hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, để bố trí số biên chế hợp lý từng cơ quan, đơn vị...
Quyết tâm cao cùng những giải pháp cụ thể, việc sắp xếp, tinh gọn hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng. Từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!