Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ

Năm 2022, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) của tỉnh Sơn La đạt 82,18%, cao hơn mức trung bình của cả nước 2,1%; đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố và thứ 5/14 tỉnh miền núi phía Bắc. Kết quả này, tiếp tục phản ánh những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Công chức Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

Năm 2022, là năm đầu tiên có thay đổi lớn về nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng, thay vì tập trung đánh giá việc cung ứng dịch vụ hành chính công đối với 16 nhóm dịch vụ như mọi năm, chỉ số SIPAS mở rộng nội dung đo lường các nhận định, đánh giá, mong đợi và sự hài lòng của người dân về việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nhóm chính sách quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân. Có 8 nhóm chính sách được lựa chọn, gồm: Chính sách phát triển kinh tế; khám, chữa bệnh; giáo dục phổ thông; trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; điện sinh hoạt; nước sinh hoạt; an sinh, xã hội.

Chỉ số SIPAS năm 2022 của tỉnh Sơn La được tính toán, tổng hợp từ 1.800 phiếu điều tra xã hội học đối với người dân, tổ chức tại các huyện, thành phố có nhiều giao dịch cung ứng dịch vụ. Qua đánh giá, các chỉ số thành phần đạt ở mức cao và khá trong bảng xếp hạng chung cả nước. Trong đó, mức độ quan tâm của nhân dân đối với các chính sách của cơ quan Nhà nước đạt tỷ lệ cao là các chính sách về trật tự, an toàn xã hội 99,36%; tiếp đến là chính sách về khám, chữa bệnh với 99,2%; chính sách về giáo dục phổ thông 98,89%. Ngoài ra, 91,04% số người dân được khảo sát cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 81% số người dân đánh giá mức độ hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách; 83,36% người dân hài lòng đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công...

Những điểm số này, phản ánh khách quan nhất nỗ lực xây dựng chính quyền phục vụ của tỉnh. Năm 2022, để người dân tiếp cận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện cải cách, đổi mới cách thức giải quyết TTHC. Trong đó, thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả) tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Hiện nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh cung ứng trên 1.120 TTHC mức độ 3, 4; tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 59,9%; thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn, cắt giảm trung bình 40% so với quy định; tạo sự thuận lợi cho người dân, tổ chức. Nhờ đó, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, đạt 95,83% ở cấp tỉnh, 96,3% ở cấp huyện.

Năm 2022, huyện Sông Mã đứng đầu khối huyện, thành phố về chỉ số SIPAS, với 99,2%. Huyện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết các TTHC; thường xuyên kiểm tra tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện và các xã, thị trấn.

Ông Đặng Văn Bảy, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thịnh, thị trấn Sông Mã, nói: Các cấp chính quyền địa phương rất linh hoạt trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận hiệu quả các dịch vụ công, từ việc thành lập công ty đến việc giải quyết các TTHC, mở rộng quy mô doanh nghiệp. Chúng tôi rất hài lòng với sự phục vụ của chính quyền trong thời gian qua.

Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện đã cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; khuyến khích người dân nộp và nhận kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Ông Nguyễn Chí Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, chia sẻ: Đến nay, 100% các TTHC được công khai minh bạch về quy trình, thời gian giải quyết, phí, lệ phí, phiếu giao nhận, phiếu báo xử lý chậm; giảm thiểu đến mức không có hồ sơ quá hạn trong giải quyết TTHC. Qua khảo sát, 99% số phiếu đánh giá của người dân, doanh nghiệp ghi nhận thời gian giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa cũng như phong cách phục vụ rất tốt; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn đạt 99,8%.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song, tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế: Còn 20,6% người dân được khảo sát chưa hài lòng về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước đối với việc cung cấp thông tin, giải thích về các chính sách; 19,87% chưa hài lòng về việc có cơ hội được tham gia ý kiến đối với chính sách; tỷ lệ người dân được khảo sát mong đợi cần nâng cao hơn nữa chất lượng trụ sở, trang thiết bị phục vụ…

Tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung và kết quả của chỉ số SIPAS nhằm nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia tích cực, khách quan của người dân, tổ chức. Đối với các cơ quan, đơn vị nhận được sự hài lòng thấp của người dân, tổ chức, cần kiểm tra, đánh giá, xác định thực trạng và nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao điểm số, thứ hạng của chỉ số trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới