Sợ dòng họ mình "lép vế" (?)

Học xong trung cấp nông nghiệp, Mạnh chỉ có nguyện vọng về làm việc tại quê nhà. Quyết định của chàng trai thật đáng quý, bởi ở miền quê này, các thanh niên trưởng thành đều tìm cách “tung cánh bay xa”, những ngày thường ở quê chỉ toàn người già, trẻ nhỏ.

Lâu nay, việc tìm người làm cán bộ thôn thật khó, nguồn chủ yếu là người đã nghỉ hưu. Vì vậy, việc Mạnh học xong, quyết định trở về quê hương làm ăn khiến nhiều đồng chí cán bộ thôn rất mừng.

Về quê, Mạnh được bầu vào Ban Chấp hành chi đoàn thôn. Khi Bí thư chi đoàn đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản thì Mạnh lại được bầu làm thủ lĩnh chi đoàn. Với kỹ năng “tay trái” học được ở trường, nhất là việc tổ chức các phong trào hoạt động của tuổi trẻ, Mạnh tiến hành củng cố chi đoàn về tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động. Chưa đầy 6 tháng, từ trạng thái “ngủ quên”, Chi đoàn đã bừng tỉnh với nhiều hoạt động phong phú, bổ ích. Việc chung-việc riêng, hoạt động phong trào và tư duy kinh tế nông nghiệp của Mạnh đều rất nổi. Những ai có góc nhìn tích cực thì đều tin tưởng, ủng hộ, khích lệ Mạnh.

Sợ dòng họ mình "lép vế" (?)
Minh họa: LÊ ANH 

Những tưởng từ “bó đũa” đã chọn được “cột cờ”! Nhưng không, đã mấy lần chi ủy, chi bộ họp về việc kết nạp Mạnh vào Đảng và chọn làm nguồn trưởng thôn (thay thế người đương nhiệm tuổi đã cao), mà chẳng lần nào Mạnh được quá bán, chẳng lần nào thành công. Trong các cuộc họp đó, những ý kiến ủng hộ Mạnh chỉ là số ít, còn những ý kiến ngược lại thì áp đảo với đủ lý do: Rằng, mới chỉ có bề nổi chứ chưa có chiều sâu; rằng, có nhiệt tình nhưng còn thiếu chín chắn; rằng, để làm được trưởng thôn thì cần phải học hỏi, tích lũy nhiều, nhiều nữa...

Điều dễ nhận ra là những ý kiến không ủng hộ Mạnh đều của các đảng viên thuộc một dòng họ lớn trong thôn (chiếm hơn 2/3 đảng số chi bộ). Thực tế những đảng viên của dòng họ này không đồng ý kết nạp Mạnh vào Đảng và chọn làm nguồn trưởng thôn chỉ đơn giản vì cậu Bí thư chi đoàn không có họ với mình. Những đảng viên có họ số đông này đã rỉ tai nhau không ủng hộ Mạnh, thậm chí khi họp dòng họ còn đưa ra bàn: Cố gắng chờ một người của dòng họ đang phiêu bạt làm ăn nơi xa trở về để làm trưởng thôn kiêm bí thư chi bộ. Họ mình to nhất làng thì không thể để người của dòng họ khác làm lãnh đạo, khiến họ mình bị "lép vế" (?).

Tư tưởng ích kỷ tiểu nông và ứng xử không vì tập thể, không khách quan như trên là xa rời văn hóa Đảng, gây mất đoàn kết, là biểu hiện của tính cục bộ. Ở góc độ khác, đó còn là cách nhìn phiến diện, tiêu cực, làm cho những người trẻ mất động lực phấn đấu, gây hậu quả tai hại cho cả tập thể và cá nhân, nhất là ảnh hưởng xấu đến công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, về công tác tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Điều hết sức nguy hại nữa là những tư tưởng, hành động tiêu cực nêu trên chính là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, từ đó thổi phồng, kích động nhằm chống phá Đảng ta, chế độ ta, gây "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Do đó, mỗi đảng viên đều phải nêu cao tính Đảng, thực hiện đúng những nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, bảo đảm nhìn nhận và giải quyết vấn đề thật công tâm, khách quan, vì sự phát triển của tập thể-như thế mới là người văn minh, tiến bộ. Đặc biệt, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, không tham gia những cuộc họp họ tộc can thiệp vào công việc của chi ủy, chi bộ và của chính quyền các cấp mà nội dung trái với cả pháp luật và đạo lý; đồng thời lựa lời khuyên giải, góp ý, thuyết phục những người thân quen bỏ tư tưởng, suy nghĩ tiêu cực, thiển cận, cục bộ.

Theo QĐND
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới