Không để tổ chức đảng thành công cụ của sai phạm: Bài 3: Phương thuốc nào đặc trị? (Tiếp theo và hết)

Làm gì để tổ chức đảng không còn là công cụ của sai phạm là câu hỏi lớn và khó đối với toàn Đảng và hệ thống chính trị; là quyết tâm chính trị rất lớn của Ban Chấp hành Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo phần việc có ý nghĩa quyết định sự sống còn của Đảng và mỗi tổ chức đảng. Từ đòi hỏi của thực tiễn, xin đề xuất một số kiến nghị, giải pháp cần kíp.

Nâng sức chiến đấu từ mỗi tế bào của Đảng

Mọi dấu hiệu vi phạm của cán bộ, nhất là người đứng đầu như thế nào, cả tư tưởng, tính cách, nhân phẩm ra sao thì cán bộ, đảng viên trong chi bộ đều biết và nắm rõ. Vấn đề ở đây là sức chiến đấu của tổ chức đảng còn quá kém, các đảng viên rơi vào dĩ hòa vi quý, không dám đấu tranh ngăn chặn từ những biểu hiện nhỏ. Đó là nguyên nhân để từ những vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn, tạo môi trường thuận lợi để những người có chức quyền sinh ra lạm quyền, biến sự quyết đoán thành độc đoán và nảy sinh lợi ích nhóm.

Thế nhưng, có một thực tế đáng báo động là thời gian qua, vai trò, vị trí của chi bộ chưa được khẳng định rõ nét; nhất là hiệu quả thực hiện các nguyên tắc của Đảng bị buông lỏng, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng. Nói như vậy là bởi, dù người cán bộ, đảng viên có giữ vị trí cao đến đâu, quyền lực mạnh đến cỡ nào thì cũng phải sinh hoạt trong một tổ chức đảng, trực tiếp là chi bộ đảng.

Thế nhưng, vẫn còn đó tình trạng đảng viên có vị trí công tác cao không thực thi các quy định về chế độ sinh hoạt đảng một cách mặc nhiên. Ở nhiều nơi, đảng viên là cán bộ cấp trên về sinh hoạt như kiểu đi giáo huấn, răn dạy cho tập thể chi bộ. Nhiều người áp đặt, buộc tập thể phải đồng thuận theo ý kiến chủ quan của mình. Trong đóng góp phê bình, các đảng viên thường không dám nói thẳng, hoặc chỉ nói vuốt đuôi, tung hô thủ trưởng cấp trên... 

Không để tổ chức đảng thành công cụ của sai phạm: Bài 3: Phương thuốc nào đặc trị? (Tiếp theo và hết)
Đại hội XIII của Đảng: Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nhìn lại hàng loạt vụ án, thấy rằng, có quá nhiều tập thể chi bộ được ví như tập thể bù nhìn. Trong hàng trăm vụ án tiêu cực trong Đảng được đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật, hầu hết chưa có cấp ủy, chi bộ nào phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật do quá trình đấu tranh phê bình và tự phê bình. Hiếm thấy cấp trên trực tiếp phát hiện cấp dưới sai phạm để xử lý và càng hiếm chuyện cấp dưới phát hiện cấp trên sai phạm để phê bình, đấu tranh, tố cáo... Phê bình và tự phê bình, thứ “vũ khí” hữu hiệu nhất bảo đảm Đảng tồn tại và phát triển lành mạnh đã âm thầm, lặng lẽ bị vô hiệu hóa ngay từ cấp chi bộ.

Nguyên tắc tập trung dân chủ bị lợi dụng, biến dạng và biến thành “bình phong” cho những toan tính lợi ích cá nhân, mưu đồ tiến thân của những con lươn, con chạch được trèo cao, leo sâu và thực hiện ý đồ, lợi ích cá nhân. Thậm chí, có tập thể chi bộ còn làm bình phong, là sới chèo cổ xúy cho những sai phạm một cách chủ ý hoặc vô tình. Thế mới có chuyện, hàng loạt chi bộ vẫn đề xuất các hình thức khen thưởng cho những cán bộ sau này bị phát hiện sai phạm, khuyết điểm; vẫn biểu quyết, thể hiện sự tín nhiệm mà nhờ vậy, cán bộ yếu kém và hư hỏng vẫn trèo cao, leo sâu lên các vị trí lãnh đạo chủ chốt, quan trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng, để chi bộ không còn những biểu hiện, hiện tượng vi phạm nguyên tắc Đảng, biến mình thành nơi hợp lý hóa các sai phạm, hoặc bị lợi dụng như một công cụ sai phạm, thì Trung ương Đảng cần tập trung lãnh đạo, với nhiều giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm vun đắp lại tinh thần đấu tranh, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Hơn bao giờ hết, công việc gốc rễ này phải được thực hiện đồng bộ, ví như tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp để phát hiện, chỉnh sửa, uốn nắn từng tổ chức đảng.

Cần phân cấp, phân quyền trong công tác lãnh đạo chỉnh huấn và chịu trách nhiệm trong việc chỉnh huấn hệ thống tổ chức đảng trong thực hiện các quy định, nguyên tắc của Đảng. Đặc biệt, việc chỉnh đốn chất lượng tổ chức đảng, nhất là ở cấp chi bộ phải có kế hoạch tổng thể, có làm điểm ở các loại hình chi bộ: Cơ quan, chi bộ trong LLVT, doanh nghiệp, nhà trường, chi bộ thôn, bản... rồi nghiêm khắc đánh giá, tổng kết, nhân rộng. Trong đó, cần tập trung chỉnh đốn trước đối với những loại hình chi bộ ở những cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực nhạy cảm, thường xảy ra tiêu cực, khuyết điểm, nơi để cán bộ rơi vào "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Để việc chỉnh đốn chi bộ được hiệu quả, trước hết, cần bắt đầu từ tư duy của Đảng trong đánh giá tổ chức đảng. Việc mắc bệnh thành tích khiến các tổ chức đảng chạy theo các tiêu chí, tiêu chuẩn đạt trong sạch, vững mạnh cũng là yếu tố gây nên mặt tiêu cực, gây ra các biểu hiện bao che, giấu giếm khuyết điểm của nhiều tổ chức đảng. Kết quả khảo sát cho thấy, gần như đảng bộ các tỉnh, thành phố đều phấn đấu để đạt tỷ lệ tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh trong mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ; xem đó là thành tích trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tư duy và quan điểm như vậy là đúng nhưng chưa đủ, bởi lẽ có những đảng bộ được đánh giá là trong sạch, vững mạnh khi ở nơi đó dám mạnh dạn đấu tranh, xây dựng tổ chức đảng một cách thực chất mà không chạy theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, hay những tỷ lệ phần trăm đơn thuần một cách gò bó, cứng nhắc.

Siết chặt kỷ cương đối với tổ chức đảng

Không khó để nhận thấy, từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng tới nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hàng loạt tổ chức đảng. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật hàng chục ban thường vụ của các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước và hàng chục ban cán sự đảng các bộ, ngành do những sai phạm khác nhau. Con số càng đau lòng khi có những ban thường vụ, ban cán sự đảng mắc những sai phạm trong một thời gian dài, qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo...

Kết quả kiểm tra, giám sát và kết luận của các cấp khẳng định: Nhiều tổ chức đảng mất sức chiến đấu, buông lỏng lãnh đạo, để cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng; gây mất uy tín, danh dự của Đảng, mất niềm tin của nhân dân với tổ chức đảng. Thế nhưng, có một điều đáng suy nghĩ là hình thức kỷ luật các tổ chức đảng này chủ yếu là khiển trách, cảnh cáo. Dư luận cho rằng, hình thức kỷ luật như vậy là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và tạo nên độ nhờn cùng tâm lý không sợ kỷ luật của tổ chức đảng. Hơn nữa, kỷ luật tổ chức đảng là phê bình, kiểm điểm một tập thể lãnh đạo nên tác động không lớn đến lợi ích của những cá nhân liên quan. Và sau thi hành kỷ luật thì đâu lại vào đấy, tổ chức đảng vẫn hoạt động dù nó mang trong mình những khiếm khuyết, bệnh tật nan y, khó có thể khắc phục một sớm, một chiều.

Khảo sát ý kiến của quần chúng thông qua điều tra xã hội học cho thấy, dư luận mong muốn nên áp dụng hình thức kỷ luật giải tán đối với tổ chức đảng vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bởi lẽ, theo Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đã chỉ rõ 3 hình thức kỷ luật tổ chức đảng, gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán. Trong đó khẳng định, áp dụng hình thức giải tán khi tổ chức đảng có hành động chống đối quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng hoặc pháp luật của Nhà nước.

Quy định số 69-QĐ/TW lý giải cụ thể: Việc giải tán tổ chức đảng được áp dụng đối với tổ chức: Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng hoặc pháp luật Nhà nước với các hành vi như: Bỏ 3 kỳ liên tiếp không sinh hoạt; cố ý không chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách, các nguyên tắc, quy chế, quy định, quyết định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chia rẽ bè phái, mất đoàn kết nghiêm trọng, không còn vai trò và tác dụng lãnh đạo đối với địa phương, đơn vị.

Theo nghĩa đó, liệu rằng một số tập thể tổ chức đảng vi phạm nghiêm trọng như thời gian qua; nhất là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; buông lỏng lãnh đạo để cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu vi phạm nguyên tắc Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước, bị xử lý hình sự... thì với mức kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo đối với tổ chức đảng đã thật sự hợp lý hay chưa?

Nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế khó giải tán các đảng bộ, ban thường vụ, ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện, ban cán sự đảng các bộ, ngành... nhưng đối với chi bộ, tổ chức cơ sở đảng-nơi để xảy ra khuyết điểm nghiêm trọng-thì có thể áp dụng hình thức giải tán để tăng cường tính răn đe, giáo dục. Việc giải tán tổ chức đảng vi phạm kỷ luật cần gắn chặt với chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp và sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong hệ thống chính trị.

Một khi Đảng thực thi kỷ luật đảng nghiêm khắc, mạnh mẽ thì dư luận sẽ càng thêm tin tưởng, ủng hộ. Việc làm đó không hề ảnh hưởng đến uy tín cũng như sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Theo quy định của Trung ương, khi tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán, cấp ủy cấp trên trực tiếp lập tổ chức đảng mới hoặc giới thiệu sinh hoạt đảng cho số đảng viên còn lại. Đối với cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy bị kỷ luật giải tán, cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét xử lý kỷ luật những thành viên của tổ chức đảng đó và chỉ định cấp ủy, cấp ủy bầu ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Chính vì vậy, hình thức kỷ luật giải tán tổ chức đảng nên được thực hiện nghiêm túc nhằm tăng cường sức mạnh kỷ luật đảng, cũng đồng thời là giải pháp có tính giáo dục, răn đe rất lớn.

Giám sát hiệu quả người đứng đầu

Có một nỗi niềm được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng phản ánh, kiến nghị là phải bằng cách nào đó giám sát, khống chế sự lạm dụng quyền lực của người đứng đầu tổ chức đảng và những người có chức vụ cao, có thể chi phối chất lượng sinh hoạt và việc thực hiện các nguyên tắc của Đảng trong tổ chức đảng?

Nhiều cán bộ ngành kiểm tra Đảng ở cơ sở nêu lên một thực tế là ủy ban kiểm tra cùng cấp rất khó thực thi việc kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy cùng cấp, bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết là do những người đứng đầu, khi những vi phạm của mình có nguy cơ bị bại lộ, phát giác thì thường tìm cách lấp liếm, che đậy khuyết điểm, dùng lợi ích nhóm để chi phối, chèn ép những người làm công tác kiểm tra bằng nhiều cách thức khác nhau. Mặt khác, một số nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục, cơ chế vẫn có những kẽ hở, tạo điều kiện cho người đứng đầu can thiệp, chi phối vào quá trình kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra cùng cấp.

Từ thực tế đó mà việc tự phê bình và phê bình ở tổ chức đảng gặp nhiều khó khăn khi đánh giá đối tượng người đứng đầu và cán bộ chủ trì, chủ chốt. Chỉ khi người đứng đầu cương trực, gương mẫu tự nhận khuyết điểm trước tập thể, cầu tiến bộ, lắng nghe ý kiến đóng góp của tập thể và tạo môi trường thật sự dân chủ trong đóng góp, phê bình thì mới mong tiếp nhận những ý kiến thực tâm, thực lòng, đúng sự thật. Ngược lại, nếu người đứng đầu bảo thủ, áp đặt, cực đoan, độc đoán... thì nơi ấy rất khó vận hành nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Đáng lo ngại hơn là tình trạng cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu không dám đứng ra nhận trách nhiệm trước những yếu kém, sai trái ở tổ chức do mình phụ trách, quản lý mà mặc định, đổ lỗi cho “tập thể lãnh đạo”. Do đó, đông đảo cán bộ cơ sở đề xuất: Cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực, cụ thể hóa thành những chế tài nhằm quy trách nhiệm và xử lý cán bộ chủ trì các cấp khi để xảy ra sai phạm lớn trong tổ chức thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý. Trong các giải pháp cần triển khai, cần hoàn thiện một cách đầy đủ, chặt chẽ cơ chế và tạo điều kiện tốt nhất để cấp ủy, ủy ban kiểm tra cùng cấp kiểm tra, giám sát đối với bí thư cùng cấp và người đứng đầu một cách thuận lợi, hiệu quả.

Cán bộ, đảng viên và quần chúng khẳng định, việc duy trì nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt đảng, việc thực hiện nguyên tắc Đảng là công việc hết sức cần kíp hiện nay. Trước hết, cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về nội dung, bản chất của mỗi nguyên tắc Đảng để vận dụng thực hiện hiệu quả, không chệch hướng. Cùng với đó, Đảng cần chủ trương đẩy mạnh lãnh đạo việc tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc thành quy chế, quy định trong Đảng và pháp luật của Nhà nước để tổ chức thực hiện hiệu quả. Hệ thống quy chế, quy định đồng bộ, nhất quán càng có cơ sở để quản lý, điều chỉnh các hành vi hoạt động của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

“Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước; căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can...”.

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Theo Báo QĐND
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới