Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngọn cờ đoàn kết, dẫn dắt toàn dân tộc đi tới tương lai tươi sáng - Bài 1: Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của bậc vĩ nhân – Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.

55 năm (1969-2024) nhìn lại, chúng ta có thể tự hào và tin tưởng báo cáo với Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã xây dựng đất nước ta "ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như mong muốn của Người. Điều đó càng củng cố thêm niềm tin của chúng ta vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu mà đất nước và nhân dân ta đạt được suốt thời gian qua đã khẳng định Đảng ta có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, luôn ý thức được sứ mệnh, trọng trách của mình trước nhân dân, trước vận mệnh của dân tộc.

Bài 1:  Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”

Những năm 60 của thế kỷ 20, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta ở vào giai đoạn ác liệt. Đế quốc Mỹ sau những thất bại trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" điên cuồng tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, leo thang "Chiến tranh phá hoại" miền Bắc lần thứ nhất. Trước diễn biến ngày càng khẩn trương, tháng 3-1965, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã hạ quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Thời điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự cảm nhận sức khỏe của mình đã có phần giảm sút so với những năm trước. Do đó, ngày 10-5-1965, Bác đã đặt bút viết một văn bản đặc biệt quan trọng mà Bác đã khiêm tốn gọi là “Mấy lời để lại”. Đó chính là bản Di chúc thiêng liêng của Người.

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngọn cờ đoàn kết, dẫn dắt toàn dân tộc đi tới tương lai tươi sáng - Bài 1: Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”
 Đồ họa: TTXVN

Căn phòng nhỏ Bác soạn “Mấy lời để lại”

Trong hồi ký của mình, đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác kể lại tiến trình ngày đầu tiên Bác viết Di chúc, ngày 10-5-1965 (Vũ Kỳ - Càng nhớ Bác Hồ, Nxb Thanh niên. Hà Nội. 1999, tr.130): “Đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã suy ngẫm từ lâu. Phòng làm việc trên nhà sàn yên tĩnh. Gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn... Chính vào giờ phút đó Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào Tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau”.

Với sự khiêm tốn, giản dị, Bác không gọi là “Di chúc”, “Chúc thư” hay “Di huấn”... mà trong các bút tích sửa chữa và ghi trên Di chúc, Người chỉ gọi giản dị là “Tài liệu”, “Thư”, hay “Mấy lời… tóm tắt vài việc”. Bác cũng không muốn nhiều người biết việc làm của một người sắp “đi xa”, ngại dẫn đến những suy nghĩ không có lợi trong hoàn cảnh cả nước kháng chiến, nên mở đầu bài viết, Bác ghi rõ “Nhân dịp 75 tuổi” và bên lề trái, Bác ghi chú thêm hàng chữ "Tuyệt đối bí mật".

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngọn cờ đoàn kết, dẫn dắt toàn dân tộc đi tới tương lai tươi sáng - Bài 1: Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”
 Một khoảnh khắc Bác đang làm việc được ghi lại. Ảnh: Tư liệu

Riêng ngày 14-5-1965, do bận công việc buổi sáng, Bác chuyển sang viết vào buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”. Những ngày trung tuần tháng 5 của những năm sau, Bác duy trì viết, sửa chữa, bổ sung tài liệu "Tuyệt đối bí mật". Theo đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, trong khoảng thời gian 4 năm, từ 10-5-1965 đến 19-5-1969, Bác đã để cả thảy 28 buổi, phần lớn mỗi buổi hai giờ rưỡi để viết Di chúc.

Những ngày tiếp theo của tháng 5 năm ấy hay những ngày trung tuần tháng 5 của các năm sau cũng vậy, Bác viết, sửa chữa, bổ sung Di chúc ở phòng làm việc Nhà sàn. Ngày 19-5-1969, đúng dịp sinh nhật lần thứ 79, Bác xem lại Di chúc: “Đúng 9 giờ, Bác ngồi vào bàn làm việc với bản Di chúc trước mặt. Bên ngoài nắng đã lên cao. Những chùm hoa phượng nở sớm, bắt nắng khoe màu rực rỡ. Mặt hồ lăn tăn gợn sóng, lấp lánh ánh mặt trời. Một làn gió mát rượi ùa vào khung cửa sổ làm bay bay những sợi tóc bạc của Bác. Bác ngồi đó, tựa lưng vào thành ghế thoải mái, ung dung, nét suy tư hiện lên trên vầng trán rộng...”. Ngày 20-5-1969, “Người xem lại tài liệu lần cuối và xếp vào phong bì cất đi”. (Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, 1996, tập 10, tr.351).

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngọn cờ đoàn kết, dẫn dắt toàn dân tộc đi tới tương lai tươi sáng - Bài 1: Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”
Bản Di chúc đã được Bác chỉnh sửa cẩn thận nhiều lần. Ảnh chụp lại từ tài liệu

Tất cả những tình tiết này trước đây được coi là bí mật. Cho tới 20 năm sau, năm 1989, khi điều kiện cho phép, tất cả các bản thảo Di chúc của Bác được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) công bố đầy đủ.

Cụ thể, ngày 19-8-1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký ban hành Thông báo số 151-TB/TW, thông báo đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Bác và ngày Bác qua đời. Thông báo nêu rõ: “Năm 1965, Bác viết bản Di chúc gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15-5-1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ.

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngọn cờ đoàn kết, dẫn dắt toàn dân tộc đi tới tương lai tươi sáng - Bài 1: Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”
 Bác Hồ làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu

Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm sáu trang viết tay. Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói "về việc riêng" đã viết trong bản năm 1965, và viết thêm một số đoạn. Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như: Chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước… Ngày 10-5-1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Các năm 1966, 1967, Bác không có những bản viết riêng”.

Có thể thấy rõ, trong mấy năm cuối đời, dù sức khỏe không còn tốt như trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết để viết, sửa chữa, bổ sung, cân nhắc từng câu, từng chữ, từng ý, từng lời; thậm chí chỉnh sửa, bổ sung và viết lại cho thấy Người luôn trăn trở, suy nghĩ cho vận mệnh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Ngày 9-9-1969, trong Lễ truy điệu Người, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xúc động công bố bản Di chúc của Bác, là bản Di chúc hoàn chỉnh được ghép từ các bản Di chúc mà Bác đã viết, sửa và bổ sung hoặc thay thế trước đó.     

Văn kiện lịch sử vô giá

Nội dung Di chúc là những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng và sự đoàn kết trong Đảng, về đoàn viên và thanh niên, về Nhân dân lao động, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về phong trào cộng sản thế giới... và vài dòng nói về việc riêng.

Đó là những chỉ dẫn về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền với những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng là: giữ gìn mối “đoàn kết trong Đảng”, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân…; và nhiệm vụ chiến lược để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng - là công tác chỉnh đốn Đảng.

Đó còn là những dặn dò, nhắc nhở về sự cần thiết phải “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Bác nhấn mạnh: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”".

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngọn cờ đoàn kết, dẫn dắt toàn dân tộc đi tới tương lai tươi sáng - Bài 1: Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”
Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ngôi nhà sàn nơi Người đã sống và làm việc từ năm 1958 đến năm 1969. Ảnh: Tư liệu

Trong Di chúc, Bác nghĩ cho người dân của mọi tầng lớp xã hội. Đối với nhân dân lao động, Bác căn dặn: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Bác đặc biệt quan tâm đến những nhóm người yếu thế. Từ những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc: “phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”; đến phụ nữ: “phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả việc lãnh đạo”; và cả những nạn nhân của xã hội cũ (như trộm cắp, cờ bạc, buôn lậu…): “phải vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những lao động lương thiện”. Qua đó chúng ta càng thấy rõ tấm lòng đôn hậu, bao dung, tình thương yêu con người vô bờ bến của Bác.

Bên cạnh đó, Bác còn phác thảo lý luận về sự nghiệp đổi mới ở nước ta với những chỉ dẫn quan trọng về quản lý xã hội như: Đào tạo nguồn nhân lực, sửa đổi chế độ giáo dục, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, chính sách xã hội, công bằng xã hội...

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngọn cờ đoàn kết, dẫn dắt toàn dân tộc đi tới tương lai tươi sáng - Bài 1: Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”
 Hình ảnh đời thường vô cùng giản dị của một lãnh tụ thiên tài. Ảnh: Tư liệu

Gọi là Di chúc, nhưng bên trong lại không có mấy lời nhắc đến những yêu cầu của bản thân người viết. Cả cuộc đời, Bác đã phấn đấu, hy sinh chỉ nhằm một mục đích “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Ngay cả trước lúc đi xa, điều Người nuối tiếc nhất vẫn là “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Nói tới điều này, trong cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Quân đội nhân dân với PGS, TS Nguyễn Thanh Tú - người đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức để tìm hiểu về toàn bộ cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, được ông chia sẻ: Tôi thấy rõ tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, người luôn hết lòng đấu tranh, phụng sự cho hạnh phúc của con người. Bác chưa bao giờ nghĩ điều gì cho riêng mình. Xúc động hơn cả là Bác ra đi không đem theo gì, mà “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”, với mong muốn cuối cùng của Người là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngọn cờ đoàn kết, dẫn dắt toàn dân tộc đi tới tương lai tươi sáng - Bài 1: Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”
Bà con Pác Bó, Cao Bằng vô cùng xúc động được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 20 năm xa cách (20-2-1961). Ảnh: Tư liệu 

PGS, TS Nguyễn Thanh Tú chia sẻ: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta trên nhiều phương diện. Di chúc vạch ra phương hướng cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai, đặc biệt là quan hệ với các Đảng Cộng sản anh em, các nước xã hội chủ nghĩa. Nhất là trong bối cảnh có những diễn biến phức tạp ở khu vực và thế giới gần đây, càng cho chúng ta thấy, Di chúc của Người vừa mang ý nghĩa thời sự, vừa mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay bản gốc Di chúc đang được cơ quan chức năng bảo quản theo chế độ đặc biệt.

(còn nữa)

Theo QĐND
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi

    Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi

    Nông nghiệp -
    Toàn tỉnh đang có hơn 138.800 con chó, mèo cần được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh dại bùng phát trong mùa nắng nóng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai tiêm vắc xin dại cho đàn chó, mèo.
  • 'Nâng cao chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ

    Nâng cao chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ

    Quốc Phòng - An Ninh -
    Hằng năm, huấn luyện dân quân tự vệ ở huyện Thuận Châu luôn có sự đổi mới theo hướng thiết thực, chất lượng, bám sát chức năng, nhiệm vụ trên từng địa bàn; nội dung, hình thức phong phú. Qua đó, chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ được nâng lên, góp phần đảm bảo công tác quốc phòng - an ninh tại địa phương.
  • 'Sốp Cộp phát triển kinh tế thương mại - dịch vụ

    Sốp Cộp phát triển kinh tế thương mại - dịch vụ

    Kinh tế -
    Với lợi thế là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp luôn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mở rộng dịch vụ, thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
  • 'Khu công nghiệp Mai Sơn những tháng đầu năm

    Khu công nghiệp Mai Sơn những tháng đầu năm

    Kinh tế -
    Khu công nghiệp Mai Sơn những tháng đầu năm 2025 luôn hối hả, với 3 dự án xây dựng nhà máy đang triển khai. Cùng với thu hút đầu tư, các cấp, ngành của tỉnh đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các dự án đang triển khai tại Khu công nghiệp Mai Sơn nhằm sớm đưa các nhà máy vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  • 'Đổi thay ở các bản biên giới Mộc Châu

    Đổi thay ở các bản biên giới Mộc Châu

    Nông thôn mới -
    Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm vươn lên thoát nghèo của nhân dân, diện mạo 10 bản biên giới của thị xã Mộc Châu có nhiều khởi sắc; cuộc sống của nhân dân ngày một ấm no.
  • 'Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

    Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

    Xây dựng Đảng -
    Kịp thời nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đề xuất các giải pháp tuyên truyền phù hợp, tạo sự đồng thuận, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức điều tra dư luận xã hội liên quan đến việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
  • 'Thoát nghèo từ mô hình trồng cà chua, dâu tây

    Thoát nghèo từ mô hình trồng cà chua, dâu tây

    Gương sáng bản làng -
    Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp đến bản Pặt, xã Mường Chùm, huyện Mường La. Đây là bản nông thôn mới kiểu mẫu của xã, nơi có nhiều gương nông dân làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu là chị Lò Thị Thưa với mô hình trồng dâu tây và cà chua, vừa đem lại thu nhập cao, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.