Cách đây hơn 80 năm, thực dân Pháp dựa vào vùng núi hiểm trở nơi “rừng thiêng, nước độc” để mở rộng Nhà tù Sơn La với âm mưu thâm độc để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những chiến sỹ cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng tại nơi đây, những chiến sỹ cộng sản kiên trung đã biến nhà tù của thực dân Pháp thành trường học cách mạng. Từ tờ báo “Suối Reo” bí mật xuất bản trong ngục tù, tới tờ “Lắc Mướng” ở cơ sở cách mạng đầu tiên của tỉnh đã “tiếp lửa” truyền thống cho các thế hệ những người làm báo của Báo Sơn La suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.
Kỷ niệm 60 năm thành lập Báo Sơn La, chúng tôi về thăm Nhà tù Sơn La, nơi tờ báo Suối Reo đã đặt nền móng cho sự phát triển của báo chí Đảng bộ Sơn La. Giữa không gian tĩnh lặng của những bức tường đá rêu phong nơi ngục tù giam cầm các chiến sĩ cộng sản kiên trung, cây đào Tô Hiệu vẫn nở bung những cánh đào thắm. Hướng dẫn viên với giọng truyền cảm lắng đọng đã giới thiệu đưa chúng tôi trở lại với lịch sử đầy xúc động. Tháng 5/1941 đến tháng 3/1945, Chi bộ Đảng nhà tù đã xuất bản tờ báo Suối Reo làm công cụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, động viên tinh thần lạc quan cách mạng của những người cộng sản trong ngục tù, như câu thơ của lời tựa số báo đầu tiên do đồng chí Xuân Thủy viết: “Thu sang hoa cỏ già rồi/Suối Reo lên để cho đời trẻ trung/Thu sang hoa cỏ lạnh lùng/Suối Reo lên để cho lòng ta reo”.
Từ Nhà tù Sơn La, chúng tôi tìm về với Mường Chanh, huyện Mai Sơn để tìm hiểu sự tiếp nối của Tờ Suối Reo đến tờ “Lắc Mướng” (tiếng Thái là Trụ cột đất nước) của Hội người Thái cứu quốc, cơ sở cách mạng đầu tiên của Sơn La. Chúng tôi được tiếp cận những bức ảnh tư liệu được treo trang trọng tại căn nhà truyền thống của xã. Lắng nghe đồng chí Tòng Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh nhắc lại từng dấu mốc của phong trào cách mạng ở nơi đây. Tờ “Lắc Mướng” đã chỗ dựa tinh thần tiếp thêm sức mạnh tinh thần để nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc Pháp.
Những câu chuyện lịch sử từ Suối Reo, Lắc Mướng, cho đến từng trang trong cuốn lịch sử của Báo Sơn La, như đưa chúng tôi về nguồn cội của những người làm báo đảng với cảm xúc tự hào trào dâng.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Khu Tây Bắc được thành lập, năm 1963, tỉnh Sơn La được tái lập, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã xuất bản tờ Tin Sơn La, trên cơ sở đó. Ngày 03/01/1964, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã chính thức ban hành nghị quyết thành lập Báo Sơn La và xuất bản tờ báo của Đảng bộ tỉnh lấy tên là: Sơn La Đổi mới. Số báo đầu tiên xuất bản đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 03/02/1964.
Trải qua từng thời kỳ của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, sự ủng hộ của các cấp, ngành, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc, đội ngũ những người làm báo đã đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm tháng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, những người làm báo luôn dũng cảm có mặt ở những nơi chiến sự nóng bỏng nhất đưa tin chiến thắng của quân và dân ta. Nhiều phóng viên “gác tay bút” cầm súng ra chiến trường. Thời kỳ chống đế quốc Mỹ cứu nước, chiến đấu giúp nước bạn Lào, có các nhà báo Hoàng Quách Cầu, Lê Phúc; trong chiến tranh bảo vệ biên giới có các nhà báo Nguyễn Đắc Tĩnh, Lê Huy Nghĩa, Nguyễn Quang Thành, Nguyễn Tiến Kiều...
Chiến tranh kết thúc, những người làm báo của Báo Sơn La nỗ lực vượt qua khó khăn tuyên truyền, cổ vũ nhân dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Vượt qua nhiều khó khăn, Ban Biên tập Báo cùng cán bộ, phóng viên và những người làm báo Sơn La đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, thống nhất, vững vàng, trung thành phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Không chỉ thực hiện sứ mệnh của nhà báo, những cán bộ, nhà báo của Báo Sơn La còn trực tiếp góp công sức dựng xây quê hương, đất nước. Tiêu biểu là trong chiến dịch di dân tái định cư thủy điện Sơn La, Báo Sơn La có các cán bộ được tỉnh điều động tăng cường về các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, như: nhà báo Nguyễn Đức Tuấn, Nguyễn Đắc Tĩnh, Lê Huy Ngoan...
60 năm xây dựng và trưởng thành, từ chỗ chỉ có 6 người khi mới thành lập, tuy chưa một ai được đào tạo về nghiệp vụ báo chí, đến nay, Báo Sơn La đã có 35 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhân viên đều có trình độ từ đại học trở lên, nhiều phóng viên có trình độ thạc sỹ, đại đa số có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Từ chỗ làm báo thô sơ (in theo phương pháp Paraphin trên bàn đá (một vài năm sau được khắc đúc bằng bản chì để in), đến nay, đã làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, làm việc trên môi trường số, với nhiều loại hình báo chí đa phương tiện. Các ấn phẩm: Báo Sơn La thường kỳ phát hành 5 số/tuần; Tờ Tin ảnh Sơn La phát hành 2 số/tháng; Báo Sơn La điện tử phát hành hàng ngày 24/7 và có 3 chuyên trang tiếng Anh, tiếng dân tộc Thái, tiếng dân tộc Mông đã khẳng định một vị thế của báo Đảng địa phương ngày càng phát triển và hội nhập.
Mỗi chặng đường đã qua, đều in đậm dấu ấn của mỗi thế hệ người làm báo, đặc biệt lãnh đạo Báo Sơn La qua các thời kỳ, như các đồng chí: Thiều Vịnh, Kim Văn, Lê Nguyên Bắc, Lê Hữu Thanh, Nguyễn Anh Nguyên, Lê Hải Trà, Hoàng Quách Cầu, Lê Phúc, Nguyễn Minh Hòa, Nguyễn Đắc Tĩnh, Lê Huy Nghĩa... luôn giành con tim, khối óc, gắn bó với tờ báo Đảng, góp phần tạo động lực cho Báo Sơn La phát triển hôm nay.
Ngọn lửa cách mạng “Suối Reo”, “Lắc Mướng” đã tiếp thêm tinh thần, nghị lực để đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Sơn La ngày càng trưởng thành, có trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, đa dạng và hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao thông tin của các tầng lớp nhân dân. Tiếp lửa truyền thống cho thế hệ những người làm báo của Báo Sơn La hôm nay luôn một lòng sắt son, trung thành với Đảng, cống hiến nhiều hơn nữa vì mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!