Tuần qua (18-24/12), bên cạnh tình hình xung đột tại Dải Gaza, thế giới tiếp tục phải đối mặt với những bất ổn trong bối cảnh WHO thông báo JN.1 là biến thể được quan tâm mới của SARS-CoV-2; Chính phủ Séc tuyên bố quốc tang sau vụ xả súng ở thủ đô Praha; hay động đất tại Trung Quốc khiến ít nhất 137 người thiệt mạng...
Hội đồng Bảo an LHQ lại hoãn bỏ phiếu dự thảo nghị quyết về Gaza
Khung cảnh tan hoang ở Gaza sau các vụ tấn công của Israel. (Ảnh: AFP) |
Ngày 21/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một lần nữa hoãn cuộc bỏ phiếu được trông đợi từ lâu về một dự thảo nghị quyết viện trợ nhân đạo cho Gaza do vấp phải sự phản đối từ Mỹ. Đây là lần thứ tư trong vòng một tuần, cuộc bỏ phiếu về nội dung này bị trì hoãn tại cơ quan quyền lực của Liên hợp quốc.
Các nguồn tin ngoại giao chỉ ra nguyên nhân của sự trì hoãn là do Mỹ lo ngại về các điều khoản tham chiếu trong dự thảo nghị quyết liên quan tới việc chấm dứt thù địch giữa Palestine và Israel. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác cũng được đề cập tới là việc kiểm tra các xe tải viện trợ vào Gaza để đảm bảo chúng chỉ chở hàng hóa viện trợ nhân đạo. Dự thảo nghị quyết đề xuất Liên hợp quốc đảm nhận trách nhiệm này, song lại bị cả Mỹ và đồng minh thân cận là Israel phản đối.
Trước đó cùng ngày, Phó đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc - ông Robert Wood đã thông báo với các phóng viên rằng, các bên vẫn đang tích cực và đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến sự cần thiết phải có những thay đổi cụ thể trong bản dự thảo nghị quyết và những thay đổi này phải đủ quan trọng để có được sự ủng hộ.
Theo một báo cáo được 23 cơ quan nhân đạo và Liên hợp quốc công bố ngày 21/12, toàn bộ dân số 2,2 triệu người dân ở Gaza hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng lương thực hoặc một tình huống thậm chí còn thảm khốc hơn, với 576.600 người đang sống trong tình cảnh đói ăn nghiêm trọng.
Mức độ nghiêm trọng của nạn đói mà người dân Gaza phải gánh chịu thậm chí đã làm lu mờ cả tình cảnh đói kém gần đây ở Afghanistan và Yemen. Báo cáo cảnh báo nguy cơ xảy ra nạn đói đang "tăng lên mỗi ngày", với nguyên nhân là do viện trợ vào Gaza không đủ.
WHO thông báo JN.1 là biến thể được quan tâm mới của SARS-CoV-2
Theo CDC, trường hợp nhiễm biến thể phụ JN.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào tháng 9/2023. (Ảnh: NDTV) |
Ngày 19/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại biến thể phụ JN.1 thuộc dòng BA.2.86 của virus SARS-CoV-2 là “biến thể được quan tâm”. Theo WHO, mức độ lây lan của JN.1 đang gia tăng nhanh chóng, song không gây ra nhiều mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng.
Tuyên bố cùng ngày của WHO nêu rõ, biến thể phụ JN.1 tiếp tục được báo cáo ở nhiều quốc gia, với mức độ phổ biến đã tăng nhanh trên toàn cầu và hiện đại diện cho phần lớn các ca nhiễm biến thể phụ thuộc dòng BA.2.86 được báo cáo.
Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu sẵn có, WHO cũng chỉ ra nguy cơ sức khỏe của cộng đồng do biến thể phụ JN.1 gây ra được đánh giá ở mức thấp. Các loại vaccine hiện có tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc chống lại nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong do JN.1 cũng như các biến thể lưu hành khác của COVID-19.
Từ những lập luận nêu trên, cơ quan y tế Liên hợp quốc khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh và các ca bệnh chuyển nặng bằng cách sử dụng tất cả các công cụ sẵn có, chẳng hạn như đeo khẩu trang ở những khu vực đông người hoặc thông gió kém…
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết nước này ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ JN.1 đầu tiên vào tháng 9/2023. Hiện biến thể phụ này đang chiếm khoảng 15% - 29% số ca bệnh tại Mỹ và đang trên đà trở thành biến thể thống trị trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo CDC hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy JN.1 có thể gia tăng nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể đang lưu hành khác.
Chính phủ Séc tuyên bố quốc tang sau vụ xả súng ở thủ đô Praha
Trường Đại học Charles (thủ đô Praha, Cộng hòa Séc) - nơi xảy ra vụ xả súng khiến 14 người thiệt mạng và 25 người khác bị thương (Ảnh: AP) |
Chính phủ Cộng hòa Séc tuyên bố quốc tang vào ngày 23/12 để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại trường Đại học Charles ở thủ đô Praha. Tuyên bố trên được đưa ra sau một cuộc họp bất thường. Theo đó, toàn quốc sẽ treo cờ rủ, người dân và các cơ quan, doanh nghiệp sẽ dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân.
Phát biểu họp báo, Cảnh sát trưởng Praha, ông Martin Vondrasek xác nhận, vụ xả súng xảy ra tại Khoa Triết học của Đại học Charles chiều 21/12 khiến 14 người thiệt mạng và 25 người khác bị thương, trong đó có 10 người bị thương nặng. Ông cho biết thêm, cảnh sát đã phát hiện một kho vũ khí và đạn dược lớn bên trong tòa nhà Khoa Triết học nói trên.
Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành xác định danh tính các nạn nhân, trong đó có một người nước ngoài. Bộ trưởng Nội vụ Séc Vit Rakusan xác nhận đối tượng nổ súng đã chết. Trong khi đó, kênh truyền hình CNN Prima của Séc đưa tin thủ phạm sinh năm 1999, là sinh viên tại Khoa Triết học của Đại học Charles. Đối tượng này đã sát hại cha mình tại quê hương Hostoun, ngay phía Tây Praha trước khi thực hiện vụ nổ súng. Sau đó, đối tượng đã nổ súng vào cảnh sát và tự bắn vào cổ.
Vụ xả súng tại trường Đại học Charles nói trên được coi là vụ thảm sát tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại quốc gia Trung Âu với hơn 10 triệu dân này.
Động đất tại Trung Quốc: Đã phát hiện 137 người tử vong
Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm nạn nhân tại các khu vực bị ảnh hưởng ở tỉnh Cam Túc. (Ảnh: Xinhua) |
Truyền thông Trung Quốc chiều 21/12 đưa tin, tính đến nay đã phát hiện 137 người thiệt mạng sau trận động đất có độ lớn 6,2 ở hai tỉnh Cam Túc và Thanh Hải, vùng Tây Bắc Trung Quốc xảy ra vào tối 18/12.
Tại tỉnh Cam Túc, 115 người được tìm thấy đã tử vong và 784 người bị thương. Tỉnh Cam Túc cho đến nay chưa báo cáo bất kỳ trường hợp mất tích nào do động đất.
Tỉnh Thanh Hải lân cận chứng kiến số người thiệt mạng tăng lên 22, 198 người bị thương và 12 người mất tích tính đến khoảng 21h ngày 20/12.
Theo giới chức địa phương, 19 trạm y tế tạm thời và một bệnh viện dã chiến đã được lập để đáp ứng nhu cầu cứu chữa của các nạn nhân tại các khu vực động đất. 21 đội y tế đã nhanh chóng được điều tới 35 ngôi làng bị ảnh hưởng của trận động đất để tiến hành thăm khám tại từng nhà dân.
Hơn 207.000 ngôi nhà bị phá hủy và gần 15.000 ngôi nhà bị đổ sập do động đất ở tỉnh Cam Túc, ảnh hưởng đến trên 145.000 người.
Các cuộc thảo luận trực tuyến cho thấy cư dân mạng đang muốn tìm hiểu về tiến độ giải cứu nạn các nạn nhân của động đất ở Cam Túc với nhiều ý kiến lo ngại “thời gian vàng” để tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát dưới giá rét đang dần cạn kiệt.
Những người bị mắc kẹt dưới những ngôi nhà đổ nát tiếp xúc lâu với nhiệt độ -10 độ C có nguy cơ bị hạ thân nhiệt nhanh chóng và chỉ có thể sống được từ 5 - 10 giờ ngay cả khi không bị thương. Phần lớn những gia đình bị ảnh hưởng do những trận động đất kể trên là người Hồi, một nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở các tỉnh và khu vực phía Tây Trung Quốc như Cam Túc, Ninh Hạ và Thiểm Tây.
Trong ngày 20/12, lực lượng cứu hộ đã đưa một số nạn nhân của trận động đất ở Cam Túc đến nơi an toàn. Những người sống sót sau trận động đất này sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn trong những tháng mùa đông sắp tới mà không có nơi trú ẩn lâu dài dưới nhiệt độ đóng băng.
UNICEF báo động khủng hoảng nước sạch tại Gaza
UNICEF báo động khủng hoảng nước sạch tại Gaza. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 20/12, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell cảnh báo, việc thiếu nước uống an toàn ở Gaza có thể dẫn đến cái chết bi thảm của “nhiều trẻ em” vì bệnh tật.
Theo bà Russell, việc tiếp cận đủ lượng nước sạch là vấn đề sống còn… "Trẻ em và gia đình của các em đang phải sử dụng nguồn nước không an toàn, bị nhiễm mặn hoặc ô nhiễm nặng. Nếu không có nước sạch, sẽ có thêm nhiều trẻ em chết vì bệnh tật trong những ngày tới” – quan chức UNICEF nói.
Cảnh báo nhân đạo trên được bà Russel đưa ra sau hơn 10 tuần liên tiếp Gaza phải hứng chịu bom đạn do các cuộc giao tranh kéo dài giữa lực lượng Hamas và Israel. Xung đột đã khiến hơn 1,4 triệu người dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa tìm nơi trú ẩn bên trong hoặc gần Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine ở khu vực Cận Đông (UNRWA).
Tuy nhiên, theo UNICEF, những đứa trẻ phải di dời gần đây ở tỉnh miền Nam Rafah chỉ được sử dụng từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Trong khi các dịch vụ cung cấp nước đang bên bờ vực sụp đổ.
Kể từ khi khủng hoảng bùng phát ở Gaza, UNICEF và các đối tác đã cung cấp nhiên liệu để vận hành giếng, nhà máy khử muối, vận chuyển nước và quản lý chất thải, cung cấp nước đóng chai và dụng cụ chứa nước cho hơn 1,3 triệu người. Ngoài ra, hơn 45.000 thùng chứa nhiên liệu cùng ít nhất 130.000 bộ dụng cụ vệ sinh gia đình, bao gồm các sản phẩm vệ sinh cùng hàng trăm nghìn bánh xà phòng cũng đã được cung cấp cho người dân ở Gaza.
Theo UNICEF, trong bối cảnh hiện nay, người dân Gaza đang rất cần đến máy phát điện để vận hành các công trình cấp nước và vệ sinh, cùng với ống nhựa để sửa chữa hệ thống ống nước bị hỏng. Tuy nhiên, việc đưa những thiết bị này vào Gaza đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Russell cho rằng, các vụ ném bom liên miên, hạn chế nhiên liệu và vật liệu đang cản trở các tiến bộ quan trọng ở Gaza./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!