Xuân về mang theo khát vọng về một năm mới mưa thuận, gió hòa, ấm no, hạnh phúc. Những chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo các bản làng, giúp hộ nghèo nỗ lực vươn lên.
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững đã trở thành động lực để tỉnh Sơn La giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,66% (năm 2021) xuống còn 11,11% (năm 2024), vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 21,34% (năm 2021) xuống còn 11,9% (năm 2024); tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm đạt chỉ tiêu đề ra. Sự chung tay, hỗ trợ của cộng đồng xã hội đã góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, diện mạo đô thị và nông thôn miền núi từng bước đổi thay.
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định: Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn được các các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã tác động tích cực đến đời sống của nhân dân, tạo cơ hội học tập, việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Hiện nay, tỉnh ta còn 2 huyện Thuận Châu và Sốp Cộp thuộc diện nghèo. Trong 3 năm qua đã được hỗ trợ đầu tư trên 317 tỷ đồng xây dựng mới 55 công trình và duy tu, bảo dưỡng cho 85 công trình hạ tầng thiết yếu, từ đường giao thông, cầu treo đến nhà văn hóa và lớp học. Các công trình được đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng để phát huy công năng sử dụng, đưa vào sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Tại huyện Thuận Châu đã ưu tiên nguồn đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Việc hoàn thành tuyến đường gần 14 km nối xã Long Hẹ với xã Phổng Lập và các xã lân cận, đã giúp 2.180 hộ dân đi lại thuận tiện và thúc đẩy lưu thông nông sản, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, việc duy tu, bảo dưỡng 2 công trình đường giao thông liên xã Co Mạ - Long Hẹ - É Tòng và quốc lộ 6 - Muổi Nọi - Bản Lầm đã đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ việc đi lại, sản xuất và giao thương của 1.299 hộ ở 11 bản và các hộ khu vực lân cận. Đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, khẳng định: Các công trình được đầu tư, xây dựng và duy tu, bảo dưỡng trên địa bàn huyện đều phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, huyện còn 18,16% hộ nghèo, 9,78% cận nghèo.
Việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo triển khai. Kết thúc năm 2024, các huyện nghèo đã hỗ trợ nhà ở cho 1.196 hộ nghèo, hộ cận nghèo, đạt 80,4% kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025. Những ngôi nhà sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m², đảm bảo “nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng” và tuổi thọ từ 20 năm trở lên. Đây là kết quả từ sự nỗ lực huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cộng đồng và sự đóng góp công sức của chính người dân. Các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhà ở đều phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có động lực mạnh mẽ vươn lên thoát nghèo.
Chị Quàng Thị Bun, bản Hợp Nhất 1, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, là hộ đơn thân nuôi 3 con, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, huyện đã hỗ trợ chị Bun 40 triệu đồng làm nhà, cùng với giúp đỡ của gia đình, ngôi nhà mới đã hoàn thành đầu năm 2024. Chị Bun xúc động: Năm nay tôi được đón tết trong ngôi nhà mới, tôi cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ tôi vượt qua khó khăn.
Theo đó, tỉnh ta luôn quan tâm triển khai hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế và xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã kết nối việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho 91.114 lao động; trong đó có trên 50% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ ở vùng nghèo, vùng khó khăn. Hỗ trợ đào tạo nghề cho 8.758 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 17,4%; giảm tỷ lệ thiếu hụt về chất lượng nhà ở của hộ nghèo xuống còn 22%, hộ cận nghèo xuống còn 12,7%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,45%...
Với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!