Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được huyện Vân Hồ quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả, giúp nhiều lao động có việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Hiện nay, huyện Vân Hồ có 44.000 người trong độ tuổi lao động. Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh kết nối, tạo việc làm cho người lao động. Tổ chức tập huấn thông tin thị trường lao động, lồng ghép phổ biến, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với lao động khi tham gia học nghề, các chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội... Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tạo thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu của người dân ở từng địa phương.
Khi có thông tin về các phiên giao dịch việc làm tổ chức tại địa phương, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện, UBND các xã thông báo về nội dung các phiên giao dịch việc làm để người lao động biết và tham gia. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các ban, ngành của huyện bố trí cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia tại các phiên giao dịch để hỗ trợ người lao động.
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Từ năm 2022 đến nay, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp tổ chức 2 ngày hội việc làm, thu hút trên 30 doanh nghiệp và 3.200 người lao động tham gia. Riêng năm 2024, tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm tại xã Vân Hồ, Chiềng Khoa, Tô Múa, Xuân Nha và Chiềng Yên. Qua các hoạt động, cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động; trong đó, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sinh sống ở các xã đặc biệt khó khăn. Hiện nay, huyện có trên 12.800 lao động làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, 6 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Em Đặng Việt Dũng, học sinh lớp 11A1, Trường Trung học phổ thông huyện Vân Hồ, chia sẻ: Cuối tháng 10 vừa qua, em được tham gia ngày hội việc làm do huyện tổ chức. Tại ngày hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp đã cung cấp nhiều thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng làm việc trong, ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ đó, giúp em có định hướng trong việc học tập và định hướng nghề sau khi tốt nghiệp.
Hai vợ chồng anh Đặng Văn Ngọc, bản Phà Lè, xã Chiềng Yên, đang làm việc tại tỉnh Bắc Ninh với mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng. Vừa qua, hai vợ chồng xin nghỉ làm để về xây nhà ở mới. Anh Ngọc thông tin: Trước đây, kinh tế gia đình phụ thuộc vào nương rẫy, nên rất khó khăn. Năm 2021, sau khi tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp tuyển dụng việc làm trên trang web của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hai vợ chồng đã quyết định làm hồ sơ và đi làm việc ở ngoài tỉnh. Sau 3 năm tiết kiệm, vợ chồng tôi đã đủ tiền để xây dựng nhà ở mới.
Bên cạnh đó, các phòng, ban chuyên môn của huyện đã phối hợp UBND các xã tích cực tuyên truyền, vận động lao động tham gia học nghề. Phối hợp khảo sát trước khi mở các lớp nghề theo nguyện vọng, nhu cầu học nghề tại các xã. Từ năm 2022 đến nay, đã tổ chức 6 lớp đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, thủy sản,... cho 167 lao động nông thôn. Sau thời gian học nghề, người lao động được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học và được kết nối giới thiệu việc làm, hoặc tự tạo việc làm tại gia đình.
Để đạt được mục tiêu đến hết năm 2025, huyện Vân Hồ kết nối, tạo việc làm mới cho 1.000 lao động, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị và UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn cung cấp thông tin tuyển dụng cho những lao động có nhu cầu. Đồng thời, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với giải quyết việc làm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!