Những năm qua, huyện Sốp Cộp đã tích cực hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người dân phát triển các mô hình kinh tế; kết nối giới thiệu lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Huyện Sốp Cộp có trên 29.000 người trong độ tuổi lao động. Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tuyên truyền, phổ biến chương trình giải quyết việc làm tới người dân; rà soát nhu cầu học nghề và nguyện vọng của lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng biên giới. Theo dõi, thống kê tình trạng việc làm, thu nhập của lao động nông thôn sau đào tạo nghề để có kế hoạch giải quyết việc làm cho lao động phù hợp. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tổ chức 11 lớp đào tạo nghề, tập huấn các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp cho gần 500 lao động địa phương.
Bên cạnh đó, huyện phối hợp tổ chức hội nghị giới thiệu nhu cầu việc làm, chế độ chính sách cho người lao động tại các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh cho người lao động. Đồng thời, tổ chức ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp 1 lần/năm, cung cấp thông tin về thị trường lao động cho những người có nhu cầu việc làm, học nghề. Trên địa bàn huyện có trên 3.000 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động; trong đó, hơn 2.900 lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Bình Dương... Qua khảo sát, phần lớn số lao động này có thu nhập từ 7-12 triệu đồng/người/tháng; lao động ở nước ngoài thu nhập từ 25-40 triệu đồng/người/tháng.
Xã Sốp Cộp có trên 120 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Ông Tòng Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hàng năm, nguồn tiền mà lao động đi làm xa gửi về cho người thân đã đóng góp đáng kể vào nâng cao thu nhập bình quân chung của địa phương. Đồng thời, từ nguồn tiền này đã được các hộ dân sử dụng để xây dựng nhà ở, đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai thực hiện tốt chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm và mở rộng việc làm cho lao động nông thôn. Từ năm 2015 đến nay, đã cho hơn 2.000 lượt hộ vay, với tổng số vốn lũy kế trên 100 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ gia đình đầu tư nuôi gia súc nhốt chuồng; trồng mới cây ăn quả, cải tạo vườn tạp; buôn bán tạp hóa, sửa chữa xe máy, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo.
Năm 2015, gia đình ông Tòng Văn Ương, bản Phải, xã Púng Bánh, được vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi trâu, bò và trồng cây ăn quả. Ông Ương cho biết: Số tiền này tôi sử dụng làm chuồng kiên cố và mua 4 con trâu giống; mua giống cây trồng 2 ha xoài ghép, cà phê; 4 ha cây thông. Mỗi năm xuất bán từ 4-5 con trâu, bò giống và trên 8 tấn quả các loại. Tháng 2/2022, gia đình tôi đã trả hết nợ ngân hàng; năm nay, gia đình đã được công nhận thoát nghèo.
Còn anh Tòng Văn Dinh, bản Tông Hùm, xã Mường Và, chia sẻ: Tôi tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Năm 2017, tôi mở cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng xe máy tại bản, thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng, hết năm 2019, gia đình thoát nghèo.
Tiếp tục giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huyện Sốp Cộp tăng cường phối hợp với các trung tâm, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động; tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hội thảo đầu bờ trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Đồng thời, kết nối với các đơn vị tuyển dụng, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!