Tạo nguồn nhân lực thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, một trong những xu hướng mới trên thị trường lao động đó là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ, lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế. Điều đó đòi hỏi cần có giải pháp tạo nguồn nhân lực thị trường lao động có tay nghề, có trình độ để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng.

Lao động địa phương được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty cổ phần Thành An Sơn La (huyện Phù Yên). 

Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Xin ông cho biết thực trạng về chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh ta?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh có khả năng lao động chiếm 60,6% tổng dân số toàn tỉnh. Chất lượng lao động được cải thiện và nâng cao qua các năm. Năm 2022, lao động qua đào tạo đạt 59%; tỷ lệ lao động đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ là 24%. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tăng tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Tuy nhiên, cũng như các tỉnh khác, việc “cung” lao động trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng cho “cầu” lao động của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, có kỹ năng nghề cao không nhiều; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động.

PV: Thưa ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là gì?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Đến hết tháng 11/2022, toàn tỉnh có hơn 91.590 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và gần 5.700 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, với những công việc lao động đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao. Nhưng nếu doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn cao sẽ khó có nguồn “cung”. Bởi phần lớn người lao động ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh chưa được đào tạo tay nghề hoặc đào tạo chuyên môn chuyên sâu. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa phát triển đầy đủ; phương thức quản trị thị trường lao động còn thiếu tính kết nối. Năng lực cán bộ không đáp ứng nhiệm vụ quản trị thị trường lao động; thiếu chuyên gia và đội ngũ cán bộ có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để dự báo và đề xuất giải pháp quản lý thị trường lao động hiệu quả.

PV: Những giải pháp nào để tạo được nguồn nhân lực thị trường lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Anh: Theo tôi, trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về thị trường lao động và tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực. Từ đó, huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị thống nhất; được tạo điều kiện tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin thị trường lao động việc làm và doanh nghiệp, cũng như thuận lợi tiếp cận “cung” lao động. Cần đẩy mạnh đầu tư và thực hiện số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.

Bên cạnh đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đào tạo theo mục tiêu ưu tiên và công bằng xã hội. Khuyến khích xã hội hóa công tác phát triển nguồn nhân lực. Cần xây dựng chính sách hỗ trợ tạo việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường. Đa dạng hóa các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa. Trong quá trình đó, đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước và nước ngoài. Đồng thời, tạo việc làm trong tỉnh để người dân yên tâm làm việc tại quê hương với mức thu nhập ổn định.

Trong những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động. Trong năm 2022 đã và đang đào tạo nghề cho trên 18.700 người thuộc các cấp trình độ cao đẳng, đại học, trung cấp, sơ cấp và thường xuyên ở các lĩnh vực. Tuy nhiên, với yêu cầu đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao cần đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật... đáp ứng hội nhập thị trường lao động trong nước và thế giới. Rà soát đánh giá, sắp xếp bộ máy tổ chức và đầu tư nâng cao năng lực hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 522/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ; tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT theo hướng đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm học sinh vừa học nghề vừa học văn hóa tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với quan tâm đào tạo, là đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ. Qua đó, góp phần giải quyết triệt để việc thiếu hụt nhân lực cục bộ, phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững...

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Hồng Luận (Thực hiện)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới