Những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động địa phương; tổ chức các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Anh Nguyễn Văn Huy, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Hàng năm, Phòng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình, mục tiêu việc làm của tỉnh, Trung ương. Rà soát nhu cầu học nghề và nguyện vọng của lao động tại các xã, quan tâm lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội nghị, ngày hội tư vấn việc làm cho người lao động. Đồng thời, tạo điều kiện cho lao động được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để đầu tư phát triển sản xuất.
Trong năm 2022, từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 252 lao động vay vốn, với tổng dư nợ là 3,6 tỷ đồng. Đồng thời, từ nguồn vốn của Nghị quyết số 88/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu, phối hợp tổ chức 25 lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, chăm sóc cây ăn quả và trồng cây dược liệu cho 860 lao động tại các xã: Nặm Ét, Chiềng Khay, Cà Nàng, Mường Sại và một số bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Giôn, Chiềng Khoang.
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã có 900 lao động được giải quyết việc làm tại địa phương. Trong đó, 420 lao động có việc làm tại chỗ từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các mô hình, dự án trong lĩnh vực nông lâm nghiệp; 150 lao động có việc làm từ phát triển ngành công nghiệp xây dựng, chế biến nông sản, đồ gỗ, còn lại là lao động có việc làm thuộc lĩnh vực thương mại, du lịch.
Anh Cà Văn Lợi, bản Dọ, xã Nặm Ét, cho biết: Năm 2018, gia đình tôi trồng 700 cây cam và 500 cây bưởi trên diện tích đất đồi. Do sản xuất thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật, hơn nữa diện tích cây lại thiếu nước tưới, nên cây trồng kém phát triển, hiện, chỉ còn 200 cây cam và 40 cây bưởi cho thu hoạch quả. Tham gia lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả tổ chức tại xã, tôi đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo lại vườn cây để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tôi dự định chuyển đổi diện tích đất đồi để trồng xen canh 1 ha cây ăn quả và cây cà phê trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp: Công ty Brother Hải Dương, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Cao su Tây Nguyên, Công ty TEHONG và các doanh nghiệp khác, tổ chức 26 hội nghị tại các xã để giới thiệu, tư vấn việc làm cho hơn 2.560 người lao động. Hiện, toàn huyện có 4.775 lao động làm việc tại các khu công nghiệp ngoại tỉnh và 23 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Anh Quàng Văn Trọng, bản Coi, xã Mường Sại, thông tin: Từ năm 2018 đến nay, tôi và 10 lao động khác trong huyện làm việc tại Công ty TNHH Vinh Oanh Glass (tỉnh Bắc Ninh). Thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng/tháng. Làm việc tại công ty, ngoài có thu nhập ổn định, tôi còn được đảm bảo các chế độ chính sách về an toàn lao động, bảo hiểm xã hội.
Tiếp tục quan tâm, giải quyết việc làm, năm 2023, huyện Quỳnh Nhai phấn đấu tạo việc làm cho gần 1.100 lao động địa phương; hỗ trợ 260 lao động vay vốn Quỹ giải quyết việc làm; tổ chức các lớp đào tạo nghề thường xuyên và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đồng thời, phối hợp, kết nối với các đơn vị tuyển dụng tạo việc làm sau đào tạo nghề... giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!