Phù Yên phát triển nghề trồng rừng

Hàng năm, huyện Phù Yên tích cực triển khai kế hoạch trồng rừng; từng bước đưa nghề rừng ngày càng phát triển, tạo sinh kế bền vững, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân.

Khu rừng tếch trồng tại trung tâm xã Tường Hạ. Ảnh: PV
 
Năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 47%; diện tích đất trống, đồi trọc còn chiếm tỷ lệ cao. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích nhân dân tham gia trồng rừng. Từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, huyện thực hiện hỗ trợ giá từ 1.500-2.000 đồng/cây giống cho các hộ tham gia dự án trồng rừng.

Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Yên, cho biết: Phòng đã tham mưu với UBND huyện vận dụng cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia trồng cây lâm nghiệp; tạo điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn dài hạn phù hợp với chu kỳ kinh doanh; hỗ trợ đào tạo kỹ thuật trồng rừng cho nhân dân. Khuyến khích nhân dân trồng dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập.

Nhân dân xã Kim Bon trao đổi kinh nghiệm trồng các loại cây lâm nghiệp tại địa phương.

Đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng của nhân dân, UBND huyện Phù Yên chỉ đo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phù Yên cung cấp cây giống chất lượng và hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho nhân dân. Hiện nay, mỗi năm Công ty cung ứng trên 700 nghìn cây giống các loại. Ngoài ra, nghiên cứu đưa các các cây trồng mới có giá trị kinh tế về trồng thử nghiệm và nhân rộng trên địa bàn.

Từ 2020 đến nay, toàn huyện trồng được trên 2.000 ha rừng các loại, nâng tổng diện tích rừng các loại của huyện lên 60.000 ha; trong đó, 8.444 ha rừng đặc rụng, trên 24.000 ha rừng phòng hộ và gần 27.556 ha rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng của huyện đã đạt trên 49,4%.

Đối với gia đình ông Đinh Văn Mến, bản Thượng Lang, xã Mường Lang, nghề trồng rừng đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông Mến cho biết: Tôi đã đề nghị với các cấp chính quyền hỗ trợ cây giống để trồng rừng. Đến nay, gia đình trồng 6 ha rừng, gồm cây tếch, mỡ và keo, quế... Ngoài ra, gia đình còn trồng một số loại cây dược liệu dưới tán cây. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình đạt trên 250 triệu đồng/năm từ trồng rừng và dược liệu.

Nhân dân bản Muồng, xã Tân Phong chăm sóc rừng tếch trồng mới.

Còn ông Đinh Văn Nắp, bản Muồng, xã Tân Phong, chia sẻ: Năm 1997 gia đình đăng ký trồng 1 ha cây tếch theo Dự án 447 được cấp 500 cây giống. Gia đình quản lý bảo vệ nên rừng tếch phát triển tốt. Đến nay, gia đình phát triển trồng trên 5 ha cây tếch, cho thu nhập 50 triệu đồng/năm từ bán cây tếch. Năm nay, gia đình tiếp tục mua thêm 1.500 cây giống để trồng dặm vào các khu đất trống, với mong muốn gia đình sẽ có thu nhập lâu dài và ổn định từ nghề trồng rừng.

Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phù Yên chăm sóc vườn ươn cây giống.

Đưa kinh tế rừng phát triển, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo bền vững, huyện Phù Yên tiếp tục hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho bà con vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu tham gia trồng cây lâm nghiệp; hướng dẫn bà con sản xuất theo phương thức nông lâm kết hợp; nâng cao năng lực quản lý, sử dụng nguồn vốn các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển rừng đạt hiệu quả cao... Phấn đấu đến năm 2025, nâng độ che phủ rừng của huyện lên 50%. 

Bài, ảnh: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới