Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nguồn lực con người là yếu tố quan trọng, tạo động lực cho tỉnh bứt phá đi lên. Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đang tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực toàn diện, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngày hội việc làm dành cho thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh năm 2022.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định: phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025. Cụ thể hóa khâu đột phá, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp, nhất là bậc THPT; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. 

Sau hơn 1 năm thực hiện, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được cải thiện và nâng cao. Tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở tất cả các cấp học, từ xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn, đến nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giúp học sinh tiếp cận tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: Ngành đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Thực hiện việc đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, kết quả chuyên môn; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong bồi dưỡng đội ngũ, phát triển giáo dục mũi nhọn, xã hội hóa giáo dục, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới... Từ đó, tập trung điều chỉnh, đưa ra các giải pháp phù hợp để cải tiến, nâng cao chất lượng gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị giáo dục. Tích cực tham mưu với UBND tỉnh về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, như: Đề án cơ sở vật chất; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao bậc THPT.

Với nhiều giải pháp quyết liệt, chất lượng giáo dục của tỉnh không ngừng được nâng cao về cả giáo dục đại trà và mũi nhọn. Năm 2022, toàn tỉnh có 364/597 trường đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,6%; điểm trung bình các môn thi tăng 10 bậc so với năm 2021; có 1.772 học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh bậc THCS, THPT; 8 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia; 1 học sinh đoạt giải Ba chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia.

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La.

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 1 trường đại học, 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (3 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp), với cơ cấu ngành nghề thuộc các lĩnh vực: Sư phạm, chăm sóc sức khỏe; nông, lâm nghiệp; nội vụ; công tác xã hội; văn hóa du lịch; nghệ thuật; cơ khí; công nghệ ôtô; điện dân dụng; công nghệ môi trường; công nghệ thông tin; dịch vụ pháp lý. Đồng thời rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, có phân tầng chất lượng. Thực hiện chủ trương giao chỉ tiêu đào tạo theo cơ chế đặt hàng. Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tập trung vào rèn kỹ năng nghề, gắn kết các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp đảm bảo học sinh, sinh viên có tay nghề thành thạo ngay trong khi đang học; đẩy mạnh đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu của doanh nghiệp, về du lịch, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến…

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Công tác đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo cho 18.500 người lao động; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59%, trong đó, số lao động qua đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ đạt 24%. Cùng với đó, tổ chức gần 100 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 14.000 lao động; hỗ trợ lao động đi làm ngoại tỉnh gần 88.900 người.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La, cho biết: Nhà trường đang đào tạo lực lượng lao động 3 cấp trình độ với lưu lượng đào tạo từ 800-1.000 học viên/năm (hệ cao đẳng, trung cấp) và 1.200 học viên/năm (hệ sơ cấp). Trong quá trình đào tạo, nhà trường thường xuyên có những thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo mọi điều kiện cho học viên đi thực tập để nâng cao và hoàn thiện kỹ năng nghề. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp ra trường, tỷ lệ học viên có việc làm ổn định như nghề công nghệ ô tô, hàn, xây dựng và điện công nghiệp đạt từ 80-85%; công nghệ thông tin đạt 50-55% với mức lương dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Từ sự quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học và đào tạo nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Với nhiều biện pháp đồng bộ đã và đang được triển khai thực hiện sẽ tạo đà giúp Sơn La đạt được bước đột phá lớn về phát triển nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài và bền vững trong tương lai.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới