Đến ngày 7/5/2021, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xuất hiện ở 8 xã của huyện Mộc Châu, gồm: Quy Hướng, Nà Mường, Tân Hợp, Hua Păng, Phiêng Luông... với 56 con bò mắc bệnh đã được tiêu hủy. Huyện Mộc Châu đã chủ động triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò, đặc biệt là đàn bò sữa trên địa bàn.
Thực hiện tiêu hủy bò mắc bệnh viêm da nổi cục ở Hua Păng (Mộc Châu).
Ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Huyện đã trích kinh phí dự phòng 300 triệu đồng mua 690 lít hóa chất phun khử trùng tiêu độc khu chăn nuôi và 4.000 liều vắc-xin để tiêm phòng cho trâu, bò tại các xã, bản đang có dịch. Đồng thời, vận động doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi tự bỏ tiền mua hơn 34.000 liều vắc-xin tiêm phòng; trong đó, đàn bò sữa 26.000 liều và đàn trâu, bò thịt 8.000 liều. Tuy nhiên, do thời tiết nóng ẩm, nên các loại côn trùng là các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển mạnh, huyện đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi phun khử trùng tiêu độc và mua vắc-xin để tiêm phòng cho gia súc và hạn chế nguồn lây bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu thông tin: Vắc-xin phòng bệnh viên da nổi cục trâu, bò có tên Lumpyvac, nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ và được Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo sử dụng; sau 21 ngày tiêm vắc-xin, đàn trâu, bò mới có miễn dịch, vì vậy, Trung tâm đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương, tích cực tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm vắc-xin cho đàn trâu, bò càng sớm càng tốt để đàn vật nuôi sớm có miễn dịch đối với bệnh viêm da nổi cục.
Gia đình ông Hà Văn Phâng, xã Tân Lập có 10 con bò vừa được cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện đến tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Ông Phâng phấn khởi nói: Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò mới xuất hiện và rất khó chữa; hầu hết trâu, bò đã mắc bệnh đều phải tiêu hủy, nên khi có vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục, gia đình tôi đã đăng ký để tiêm cho đàn bò ngay.
Mộc Châu hiện có hơn 70.000 con trâu, bò; trong đó có hơn 26.000 con bò sữa có giá trị kinh tế cao. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã, thị trấn thông tin, tuyên truyền nhân dân trên địa bàn về diễn biến, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo các hộ chăn nuôi thực hiện nhốt chuồng đàn trâu, bò để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; chỉ đạo các bản, tiểu khu theo dõi tình hình đàn trâu, bò; khi phát hiện trâu, bò có dấu hiệu bất thường và nghi mắc bệnh viêm da nổi cục thì báo cáo ngay cho Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm.
Đối với đàn bò sữa của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, hiện cũng được triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Theo lãnh đạo Công ty, ngay sau khi có chỉ đạo của các cấp, các ngành về phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, Công ty đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho 100% đàn bò sữa; yêu cầu các hộ chăn nuôi thường xuyên thực hiện phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, đường đi, phương tiện ra vào chuồng trại; phun diệt trừ ruồi, muỗi, ve... là vật chủ trung gian truyền bệnh. Nghiêm cấm các hộ mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò từ các vùng khác trong khu vực chăn nuôi; hạn chế người không có nhiệm vụ ra vào khu vực chăn nuôi; thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn bò và thông tin kịp thời nếu có vấn đề, tình huống phát sinh.
Huyện Mộc Châu cũng đã chỉ đạo thực hiện các phương án cách ly toàn bộ gia súc tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh viêm da nổi cục; tiêu hủy toàn bộ gia súc mắc bệnh viêm da nổi cục, hoặc gia súc trong cùng địa bàn xã (đã có kết quả xét nghiệm dương tính) có biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm da nổi cục. Tổ chức tổng vệ sinh, phun sát trùng, thuốc diệt côn trùng liên tục trong vùng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi gia súc có biểu hiện, nghi bị bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh.
Hiện nay, huyện Mộc Châu chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các xã tổ chức kê khai số lượng gia súc, đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn có dịch cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!