Mộc Châu chủ động phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

Do ảnh hưởng cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Mộc Châu xảy ra mưa lớn làm nhiều khu vực bị ngập úng, rác thải, chất thải, vi sinh vật, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Trước thực trạng đó, huyện đã chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đảm vệ sức khỏe nhân dân và cộng đồng.

Giọng nữ

Các hộ dân tiểu khu 10, thị trấn Mộc Châu dọn dẹp bùn đất sau mưa lũ. 

Mưa lớn kèm theo giông lốc đã khiến 4 ngôi nhà bị đổ, 7 nhà bị tốc mái, 118 nhà bị sạt lở đất, hơn 100 ngôi nhà bị ngập nước; làm hư hại hơn 252 ha cây nông nghiệp; 5,4 ha nhà lưới khung sắt bị hư hỏng; 3 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng; gãy đổ 5 cột điện, 14 cột viễn thông; một số tuyến giao thông bị sạt lở và ngập nước... tổng thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Tại các điểm ngập lụt sau khi nước rút sẽ để lại một lượng bùn lớn cộng với rác thải, xác động vật chết gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh, như: Tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết…

Với phương châm nước rút đến đâu, tiến hành vệ sinh môi trường đến đấy, huyện Mộc Châu đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện thành lập các tổ xuống các địa bàn, phối hợp cùng trạm y tế, chính quyền địa phương và dân khẩn trương thu gom, xử lý rác thải, san gạt bùn đất, vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm; hướng dẫn người dân cách xử lý nguồn nước, tiến hành thau rửa và khử trùng giếng khơi, bể chứa, đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân.

Ông Khuất Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu, cho biết: Trung tâm đã chỉ đạo Trạm Y tế các xã, thị trấn huy động cán bộ, y, bác sĩ xuống từng địa bàn hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, công trình vệ sinh; tổ chức phun hóa chất khử trùng tiêu độc để phòng, chống các dịch bệnh sau lũ lụt. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, xử lý khử trùng nguồn nước bằng hóa chất để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. 

Cán bộ Trạm Y tế thị trấn Mộc Châu hướng dẫn người dân khử khuẩn tại các bể chứa nước.

Tại thị trấn Mộc Châu, mưa lớn ngập cục bộ một số đoạn đường nội thị, một số khu dân cư. Ngay sau khi nước lũ rút, Trạm Y tế thị trấn đã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và thị trấn tập trung xử lý nước sinh hoạt, hướng dẫn người dân khử khuẩn tại các bể nước của các hộ gia đình. Đến nay, 100% số nguồn nước tập trung được vệ sinh đảm bảo điều kiện sinh hoạt, các gia đình được phun khử khuẩn sau khi nước rút. Cùng với đó, Trạm Y tế thị trấn đã truyền thông các khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt, nhất là các dịch bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh ngoài da.

Chị Phạm Thị Bình, Tiểu khu 2, thị trấn Mộc Châu, cho biết: Sau khi nước rút, điều tôi lo lắng nhất là nguồn nước bị ô nhiễm, cũng như các dịch bệnh về đường tiêu hóa, da liễu, dịch sốt xuất huyết có thể xảy ra. Được cán bộ y tế đến tận nhà hỗ trợ, hướng dẫn phun khử khuẩn, xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường xung quanh nhà, nhờ đó gia đình tôi yên tâm hơn.

Cán bộ Trạm Y tế xã Đông Sang phun khử khuẩn tại Trường Mầm non Đông Sang.

Còn tại Trường Mầm non Đông Sang, do ảnh hưởng của mưa bão, khu vực bên trong nhà trường bị ngập trên 1m nước. Ngay sau khi nước rút, nhà trường huy động nhân viên, cán bộ, giáo viên dọn bùn đất, kê lại toàn bộ bàn ghế, tu sửa đồ dùng học tập; dọn đẹp khu vực nấu ăn bán trú tại các điểm bị ngập. Cô giáo Hồ Thị Cường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Sang, cho biết: Nhà trường phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức phun khử khuẩn xung quanh sân trường, các phòng bị nước ngập; tổ chức thau rửa các bể nước để đảm bảo vệ sinh an toàn, phòng chống bệnh dịch cho giáo viên và học sinh. Đến nay, khuôn viên nhà trường đã được dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng, đảm bảo điều kiện tốt nhất để các em học sinh yên tâm đến lớp.

Cùng với sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ thì các hộ dân cũng cần chủ động bảo đảm vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế địa phương. Đồng thời, thực hiện ăn chín, uống sôi, phòng tránh bệnh lây qua đường tiêu hóa... để chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới