Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại các xã vùng cao của huyện Thuận Châu - nơi có phần lớn đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Từ một vùng đất nghèo, nay đã khoác lên mình một diện mạo nông thôn mới.
Trước đây, nơi vùng cao này là “vựa cây anh túc”. Việc thay thế cây trồng, vật nuôi phù hợp để giúp đồng bào có cuộc sống ổn định là một cuộc quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua phân tích, học hỏi, nghiên cứu, cấp ủy, chính quyền địa phương đã định hướng bà con trồng dong riềng, cây ăn quả, sơn tra, nuôi gia súc... Nhiều mô hình cho thu nhập từ 100 đến hơn 200 triệu đồng đã tác động trực tiếp đến nhận thức của bà con.
Sáu xã vùng cao của huyện, gồm: Co Mạ, Long Hẹ, Co Tòng, Pá Lông, É Tòng, Mường Bám có gần 45.000 ha đất tự nhiên, hơn 30.000 nhân khẩu; địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, sản xuất của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp.
Giải quyết bài toán trên, ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng cao đã và đang huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ngày 4/3/2021, Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU về phát triển kinh tế - xã hội 6 xã vùng cao giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; xác định các chương trình, dự án cần tập trung ưu tiên; huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các xã.
Từ năm 2021 đến nay, huyện triển khai các mô hình sinh kế cho đồng bào vùng cao, như: trồng cây khôi nhung, gừng trâu, vừng đen, trồng dứa, nuôi gà H’mông thương phẩm, cây mắc ca và cây gai xanh… Chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động thành lập 5 hợp tác xã (HTX) lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ gần 800 triệu đồng cho HTX về xây dựng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc, bao bì sản phẩm, chứng nhận VietGAP theo Nghị quyết 128/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Thông qua Dự án KFW7 phát triển lâm nghiệp, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661), cây sơn tra được đưa vào trồng và trở thành cây đa mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường tại các xã vùng cao. Huyện chỉ đạo các xã triển khai dự án “Sản xuất sản phẩm OCOP từ táo sơn tra gắn với phát triển vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết giá trị bền vững cho sản phẩm từ táo sơn tra” và phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, 6 xã vùng cao đã trồng hơn 5.000 ha cây sơn tra và cây ăn quả; 352 ha các loại cây dược liệu, gồm sa nhân, thảo quả, gừng, nghệ, y dĩ...; duy trì hơn 2.000 con trâu, 10.517 con bò....
Anh Thào A Hồng, Giám đốc HTX Nặm Búa, bản Nặm Búa, xã Long Hẹ, cho hay: HTX có 121 hộ thành viên, quy mô sản xuất hơn 200 ha cây sơn tra. Năm 2024, HTX đã bán hơn 100 tấn quả; chế biến 30 tấn quả tươi thành sơn tra khô. Nhiều thành viên có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm. Hiện nay, HTX đang kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài huyện tìm hướng sơ chế, sản xuất quả sơn tra thành các sản phẩm, như trà sơn tra, nước uống từ sơn tra, sơn tra sấy khô…
Người dân vùng cao hôm nay, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, mà tự vươn lên, tìm hướng thoát nghèo. Cùng với phát triển kinh tế, huyện đã ưu tiên nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng, đến nay, các tuyến đường đến trung tâm 6 xã vùng cao được đổ bê tông hoặc rải nhựa; hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa, bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trụ sở làm việc, trạm y tế và trường học, nhà văn hóa đều được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, tạo diện mạo nông thôn mới.
Ông Và Sếnh Súa, người có uy tín bản Co Mạ, xã Co Mạ, kể: Trước đây, hầu hết các bản vùng cao, chàng trai khi lấy vợ đều bị nhà gái thách cưới bằng bạc trắng, mổ nhiều trâu, bò để ăn uống 3-4 ngày. Bây giờ việc cưới hỏi được tổ chức theo Luật Hôn nhân và gia đình, không ép hôn, không thách cưới bằng bạc trắng; việc tổ chức ăn uống 2 bên gia đình gọn nhẹ; tục bắt vợ, ép cưới đã hoàn toàn chấm dứt. Cùng với đó, mê tín dị đoan từng bước được xóa bỏ, tang lễ được tổ chức gọn lẹ, không tốn kém.
Để vùng cao phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh, huyện Thuận Châu đã tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo của huyện nói chung và 6 xã vùng cao nói riêng. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của huyện, tỉnh và các nguồn lực thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Quan tâm thực hiện các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào địa bàn, nhất là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: Trồng rừng kinh tế, chăn nuôi đại gia súc gắn với cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng kế hoạch và triển khai các lớp đào tạo nghề gắn với phát triển sản xuất cho lao động nông thôn.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng chung sức của nhân dân, công tác xóa đói, giảm nghèo ở 6 xã vùng cao Thuận Châu sẽ đạt kết quả cao, góp phần đạt được mục tiêu ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025, để mỗi mùa xuân về, đời sống bà con thêm khởi sắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!