Ký ức hào hùng của người lính Điện Biên

Đã 71 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Phạm Xuân Dần, hiện đang sinh sống ở tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, vẫn vẹn nguyên ký ức một thời hoa lửa, cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Giọng nữ
Các cựu chiến binh phường Tô Hiệu trò chuyện với cựu chiến binh Phạm Xuân Dần.

Năm nay, bước sang tuổi 91, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng khi nhắc về những ngày trong quân ngũ của mình, giọng ông Dần vẫn đầy tự hào. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông kể: Năm 1952, ông đăng ký nhập ngũ, trở thành chiến sĩ của Đại đội 18, Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 - một trong những đơn vị chủ lực của quân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ tấn công địch trên hướng chủ yếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, đơn vị ông hành quân lên Tây Bắc, thực hiện nhiệm vụ làm đường, mở đường, đào hào, kéo pháo vào trận địa.

Kể về chiến thắng trận mở màn tại cứ điểm Him Lam, giọng ông Dần xúc động và tự hào: Đêm 11/3/1954, các tiểu đoàn bắt đầu đào công sự xây dựng trận địa xuất phát, đến sáng ngày 12/3, địch cho quân có xe tăng, xe ủi đất ra lấp trận địa. Máy bay, pháo binh địch bắn phá ác liệt vào các cửa rừng, hốc núi…, nơi nghi ngờ có quân ta. Tôi cùng đồng đội lúc đó được lệnh tham gia tổ chức trận địa xuất phát, đào hào tiến công; tranh thủ thời cơ đào hào, xây dựng trận địa vào ban đêm hoặc những lúc thời tiết xấu, sương mù dày đặc. Mặc dù làm nhiệm vụ dưới mưa bom, pháo kích dồn dập của quân địch, nhưng ai cũng hăng hái, kiên cường, đơn vị tôi còn hỗ trợ các đơn vị khác kéo pháo vào các trận địa.

Cũng theo lời ông: Ngày 13/3/1954, bộ đội ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, trưa ngày 13/3, địch xông vào phá trận địa của ta, quân ta đáp trả bằng lựu pháo chi viện cho các đơn vị bảo vệ trận địa. Trong ngày hôm đó, trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 141, theo lệnh của chỉ huy theo các đường hào tiến về cứ điểm Him Lam, pháo binh địch liên tục bắn chặn từ sông Nậm Rốm đến đồi 674.

Kể đến đây, ông Dần nghẹn ngào: Lúc đó chiến sự rất khốc liệt, quân ta tiến công từ nhiều hướng tiến vào chiếm lĩnh trận địa trên mỏm đồi đối diện với hướng tiến công chủ yếu thì pháo địch bắn trùm lên đội hình. Đại đội trưởng, Đại đội phó hy sinh, nhưng toàn đại đội vẫn chấp hành mệnh lệnh, vượt qua hỏa lực, bom đạn chiến đấu kiên cường, tập trung hỏa lực bắn vào Him Lam, phân khu trung tâm, sân bay Mường Thanh và lần lượt chiếm lĩnh các vị trí quan trọng.

Trung đoàn tôi có đồng chí Phan Đình Giót lấy thân mình chèn lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm, tạo điều kiện cho toàn đại đội đánh tỏa ra các hướng; trước sức tiến công mãnh liệt của quân ta, số địch còn sống sót hoảng loạn tháo chạy về Mường Thanh, bị quân ta chặn đánh, diệt hơn một đại đội.

23 giờ 30 phút ngày 13/3, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí trang bị. Chiến thắng Him Lam là thắng lợi quan trọng cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn quân ta trên khắp mặt trận Điện Biên Phủ, mở đường cho các trận đánh tiếp theo nhằm vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại đoàn 312 tiếp tục phối hợp với các đơn vị khác, tiến công các cứ điểm trọng yếu, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử vào ngày 7/5/1954.

Ông Dần kể tiếp: Ngày 7/5/1954, khi tin tức về chiến thắng Điện Biên Phủ truyền đi khắp chiến trường, lúc đó tôi cùng đồng đội đang ở chiến hào ngoài cánh đồng Mường Thanh, cả đơn vị vỡ òa trong niềm vui sướng tột cùng, hò reo. Chúng tôi ôm lấy nhau khóc, khóc trong niềm tự hào, khóc trong chiến thắng. Đêm đó, không ai ngủ, người thì hò hát chúc mừng chiến thắng, người thì cùng nhau ôn lại những tháng ngày chiến đấu gian khổ, đối mặt với những trận địa khốc liệt và cùng tưởng nhớ đến sự sự hy sinh của biết bao đồng đội.

Sau thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Dần tiếp tục tham gia thực hiện nhiệm vụ trong Đại đoàn 312. Với tinh thần của một người lính kiên trung, ông tiếp tục tham gia củng cố lực lượng, bảo vệ thành quả cách mạng và thực hiện nhiệm vụ quân sự quan trọng trong những năm tiếp theo. Năm 1960, ông Dần chuyển ngành sang tại Ty Lương thực Sơn La, dù ở công việc nào, ông vẫn luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế địa phương.

71 năm đã trôi qua, song chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, những người lính như ông Phạm Xuân Dần là những nhân chứng sống của lịch sử hào hùng của dân tộc. Họ không chỉ cống hiến tuổi trẻ cho đất nước, mà còn truyền lửa cách mạng cho thế hệ mai sau về lòng dũng cảm, tinh thần quật cường và niềm tin vào độc lập, tự do của dân tộc.

Bài, ảnh: Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới