Hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

Với nguồn lực đầu tư lớn, phạm vi rộng, đối tượng thụ hưởng nhiều, các chương trình mục tiêu quốc gia đang góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, mang lại diện mạo mới cho huyện Sốp Cộp, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Giọng nữ
Khu tái định cư bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.

Trở lại xã Dồm Cang lần này, chúng tôi nhận thấy có nhiều thay đổi. Hệ thống giao thông nông thôn được đổ bê tông kiên cố chạy dài bên những nương cà phê, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất. Đây là những thành quả của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình ở xã Dồm Cang, đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Anh Tòng Văn Tuân, bản Pặt Pháy, xã Dồm Cang cho biết: Năm 2018, gia đình tôi là hộ nghèo, được nhà nước hỗ trợ hơn 300 cây cà phê giống và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, gia đình đã chuyển diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây cà phê. Nhận thấy cây cà phê phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển tốt, đến nay, gia đình đã mở rộng lên 1,2 ha. Năm 2023 thu hoạch hơn 13 tấn quả tươi. Ngoài ra, tôi còn vay thêm tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi lợn, bò. Đến nay, gia đình đã thoát nghèo.

Còn tại xã Sam Kha, nhờ nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, tuyến đường từ huyện về trung tâm xã đã được rải nhựa; tuyến đường liên xã Sam Kha - Mường Lèo hoàn thành, đã tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa, vận chuyển nông sản. Trụ sở làm việc, nhà văn hóa của xã được đầu tư xây dựng khang trang; 100% bản có đường ô tô và có điện lưới quốc gia, 7 bản có nhà văn hóa kiên cố.

Ông Thào A Cờ, Chủ tịch UBND xã Sam Kha, cho biết: Xã có 9 bản, với 612 hộ, chủ yếu là đồng bào Mông. Phát huy hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, lựa chọn xây dựng các mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đến nay, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được triển khai theo kế hoạch và bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, góp phần tích cực cho công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Sốp Cộp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 từ huyện đến xã; thành lập các tổ thẩm định, giúp việc các dự án thuộc 3 chương trình, thường xuyên tổ chức họp giao ban định kỳ hoặc đột xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia là “đòn bẩy” cho công tác giảm nghèo của huyện, nên ngay khi triển khai các chương trình, huyện đã lập kế hoạch, phân bổ nguồn vốn để thực hiện theo từng năm và cả giai đoạn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, kịp thời tháo gỡ, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Sốp Cộp được giao trên 310 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, đã triển khai 68 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó, 59 dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Hỗ trợ 271 téc, bồn chứa nước cho các hộ nghèo có khó khăn về nước sinh hoạt trên địa bàn 8 xã; đầu tư xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung; bố trí sắp xếp dân cư tại xã Mường Lạn và Mường Lèo. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nậm Lạnh. Mở lớp xóa mù chữ cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị 6 nhà văn hóa xã, 10 nhà văn hóa bản.

Việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã và đang phát huy hiệu quả; kinh tế, xã hội phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện. Hiện nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, điện an toàn, nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95%; có 100% số xã, đường ô tô đến trung tâm; 75% bản có đường liên bản. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 41% năm 2020, xuống còn 30% năm 2023.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới