Từ giữa tháng 12 đến nay, trên những nương mía của bản Mựt Sàng, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, bà con hối hả bước vào vụ thu hoạch, không khí lao động hết sức khẩn trương, nhộn nhịp, sau gần một năm chăm sóc, thành quả lao động của người nông dân đang được đền đáp.
Cùng anh Hà Văn Miệng, cán bộ nông vụ của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, theo con đường men sườn đồi vừa mới được san gạt lên nương mía hơn 1,8 ha của gia đình ông Lò Văn Chín, ở bản Mựt Sàng. Gần hai chục người vừa chặt, vừa bó và chuyển đến điểm tập kết để kịp chuyến xe vào chở về nhà máy. Ông Lò Văn Chín chia sẻ: Bản có 43 hộ, đã hơn chục năm nay cây mía là cây trồng chính ở bản, nhà nào cũng trồng mía, nhà ít thì vài nghìn mét vuông, nhà nhiều đến hơn 6 ha. Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng nhờ được chăm sóc tốt, nên năng suất mía vẫn đạt từ 65-70 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, người trồng mía sẽ thu về hơn 40 triệu đồng/ha.
Là cán bộ nông vụ phụ trách vùng nguyên liệu mía xã Chiềng Lương đã hơn 5 năm, nên anh Hà Văn Miệng nhớ tên từng hộ, diện tích mía của từng gia đình trong xã. Anh Miệng cho biết: Xã Chiềng Lương có 5 bản, với hơn 500 hộ ký hợp đồng trồng 472 ha mía nguyên liệu với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La. Gần như cả năm, cán bộ nông vụ phải bám đồng, hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và vận động bà con tiếp tục mở rộng diện tích theo kế hoạch sản xuất của Công ty.
Niên vụ sản xuất 2022-2023, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã xây dựng vùng nguyên liệu hơn 9.500 ha, tăng hơn 1.200 ha so với vụ trước. Công ty tiếp tục đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng thâm canh tăng năng suất và bảo đảm phát triển bền vững. Chỉ đạo Xí nghiệp nguyên liệu tăng cường cán bộ hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cơ giới hóa khâu làm đất. Đồng thời, đẩy mạnh việc khảo nghiệm, nghiên cứu những giống mía năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống hạn, trong đó chú ý phát triển nhóm giống mía chín sớm và mía chín muộn phù hợp thổ nhưỡng từng vùng và trình độ canh tác của bà con, bảo đảm việc thu hoạch đáp ứng với tiến độ sản xuất của nhà máy.
Ông Nguyễn Đình Giang, Phó Giám đốc Xí nghiệp nguyên liệu, cho biết: Vụ sản xuất năm nay, năng suất mía vẫn ổn định từ 65-70 tấn/ha, sản lượng khoảng 650.000 tấn. Ngay từ đầu vụ, Công ty đã thông báo giá thu mua 980 đồng/kg cho chính quyền các xã và bà con nông dân các bản vùng quy hoạch trồng mía, tổ chức ký hợp đồng trực tiếp với hộ trồng mía để bà con yên tâm sản xuất. Đặc biệt, nhiều năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ nông dân của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, bà con ở các bản tham gia trồng mía đã thành lập các tổ đổi công theo nhóm hộ để hỗ trợ giúp nhau khi vào mùa thu hoạch. Theo tính toán của bà con, nếu không thực hiện đổi công thì mỗi ha mía sẽ phải mất thêm chi phí khoảng 20 triệu đồng thuê chặt; việc đổi công còn tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng, hằng năm khi thu hoạch xong, các bản lại góp tiền tổ chức liên hoan sau một vụ mía thắng lợi.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng mía cho nông dân, ngay sau khi kết thúc vụ sản xuất 2021-2022, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện đại, hệ thống xử lý nước thải và cải thiện điều kiện làm việc của công nhân. Tuy nhiên, đầu vụ sản xuất năm nay, Công ty đang gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển mía nguyên liệu phục vụ nhà máy sản xuất. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy, chia sẻ: Với công suất 5.000 tấn mía cây/ngày, trung bình mỗi ngày phải có hàng trăm chuyến xe chở mía về nhà máy, nhưng do khó khăn trong khâu vận chuyển, hiện nay nhà máy chỉ chạy được công suất 3.000 tấn mía cây/ngày, Công ty rất mong có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để giải quyết vướng mắc mới có thể bảo đảm tiến độ sản xuất và kịp thời thu mua hết mía nguyên liệu cho nông dân.
Đồng hành cùng nông dân, vụ sản xuất năm nay, Công ty cổ phần mía đường Sơn La tiếp tục thực hiện phương châm “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía”. Đồng thời, tập trung thực hiện các biện pháp khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định sản xuất, bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng mía nguyên liệu cho bà con nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!