Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Giọng nữ
Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương làm việc với xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, về thực hiện công tác dân tộc. 

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, có dân số trên 1,3 triệu người, với 12 dân tộc cùng chung sống; trong đó, 83,7% là người dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng các đề án, kế hoạch về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030; rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch triển khai với 7 nhiệm vụ thường xuyên và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện công tác dân tộc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 31/8/2021 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 21/12/2021 về đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kết luận số 703-KL/TU ngày 30/8/2022 về phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh…

Nhân dân xã Chiềng On, huyện Yên Châu, được hướng dẫn kỹ thuật trồng chanh leo.

Đồng chí Nguyễn Văn Thu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Sơn La đã bám sát định hướng chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, kịp thời đề xuất, kiến nghị và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác dân tộc. Đặc biệt là trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; chính sách đối với người có uy tín... Từ sự quan tâm của các cấp, chính quyền, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, tích cực đóng góp quan trọng và tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chung sức, đồng lòng xây dựng địa phương phát triển.

Những kết quả quan trọng

5 năm qua, các chương trình, đề án tại địa bàn vùng DTTS trên các lĩnh vực được triển khai thực hiện đúng mục tiêu, địa bàn, đối tượng, phát huy hiệu quả. Nhiều chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế ở vùng DTTS, như: Tín dụng ưu đãi hộ nghèo, công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề đã triển khai thực hiện hiệu quả... Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, toàn tỉnh đã thực hiện ưu đãi tín dụng đối với 145.310 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng số trên 7.740 tỷ đồng, giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thành viên HTX ARA-Tay Coffee, huyện Mai Sơn chế biến cà phê đặc sản.

Các cấp, ngành cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm, học nghề cho trên 740.400 lượt lao động, tạo việc làm cho trên 120.000 người (trong đó, lao động là người DTTS chiếm 86%); tuyển sinh, đào tạo trên 68.000 lao động ở các trình độ (trong đó lao động người DTTS chiếm 85%). Tỉnh cũng ban hành cơ chế hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp, HTX trong vùng đồng bào DTTS; đã có nhiều doanh nghiệp, HTX do đồng bào các DTTS trong tỉnh hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là trong phát triển sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch, khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Là đơn vị tiêu biểu trong sản xuất và chế biến cà phê đặc sản, HTX ARA-Tay Coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn có 14 thành viên đều là phụ nữ dân tộc Thái, trồng trên 70 ha cà phê. Năm 2019, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh thông qua Dự án “Nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ DTTS trong cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản”, HTX đầu tư xây dựng xưởng sản xuất, xây dựng nhà màng để sấy cà phê và máy xát vỏ cà phê hiện đại.

Bà Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX, chia sẻ: Với các chính sách hỗ trợ, HTX được tiếp cận với nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật chăm sóc, thu hái, sơ chế cà phê cũng như làm ra thành phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và đã được chứng nhận cà phê chất lượng cao, đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hiện nay, mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường từ 8-10 tấn cà phê nhân, xay; cung ứng, tạo nên dòng sản phẩm đặc trưng cho các cửa hàng cà phê ở các tỉnh, thành phố, được người tiêu dùng đón nhận. Doanh thu của HTX đạt khoảng 1,6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.

Đồng bào DTTS được hỗ trợ téc nước sinh hoạt từ Chương trình 1719.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, xóa nhà tạm cho đồng bào các DTTS. Trong giai đoạn 2020-2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 179 hộ gia đình; hỗ trợ đất sản xuất cho 239 hộ gia đình và xóa trên 8.657 nhà tạm cho hộ đồng bào DTTS, với kinh phí trên gần 405 tỷ đồng. Đến nay, 10/12 huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xoá nhà tạm, nhà dột nát; có 3 huyện được công nhận thoát nghèo (Bắc Yên, Mường La, Vân Hồ).

Yên Châu là địa phương hoàn thành công tác xóa nhà tạm trong năm 2024 và về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2021-2025, toàn huyện có 1.168 hộ DTTS gặp khó khăn về nhà ở có nhu cầu sửa chữa, xây mới. Đồng chí Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu, cho biết: Huyện đã rà soát, lập danh sách hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng và phù hợp; ưu tiên hỗ trợ trước những hộ nghèo sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hoặc ốm đau kéo dài, chủ hộ là người già neo đơn, phụ nữ đơn thân... Từ năm 2021 đến nay, huyện huy động trên 43,8 tỷ đồng thực hiện công tác xóa nhà tạm. Mỗi hộ được hỗ trợ từ 20-25 triệu đồng nhà mới. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã hỗ trợ thêm 3-5 triệu đồng và vận động bà con đóng góp ngày công, vật liệu; tổng giá trị mỗi ngôi nhà bàn giao đưa vào sử dụng từ 40-70 triệu đồng. Đến nay, 100% số hộ nghèo của huyện có nhà ở.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, trao tiền hỗ trợ xoá nhà tạm cho hộ nghèo.

Là hộ nghèo, lại tuổi cao, sức yếu, bà Sồng Thị Nếnh ở bản Pa Khôm, xã Mường Lựm, được chính quyền huyện Yên Châu hỗ trợ 50 triệu đồng dựng ngôi nhà gỗ mới kiên cố. Bà Nếnh xúc động nói: Từ trước đến nay, tôi không dám nghĩ sẽ có điều kiện làm một ngôi nhà mới để ở. Được các cấp, ngành của huyện, xã và bà con quan tâm hỗ trợ giúp tôi có động lực vươn lên trong cuộc sống.

Điểm trường bản Xa Lú, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, được xây dựng kiên cố.

Đối với phát triển kết cấu hạ tầng vùng DTTS, tỉnh đã huy động hàng trăm ngàn tỷ đồng nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm và thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào DTTS. Chỉ tính riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2022 đến nay, đã đầu tư xây dựng được 269 công trình giao thông, 94 công trình nước sinh hoạt tập trung, 6 kè chống sạt lở, 115 công trình giáo dục, 2 trụ sở xã, 2 trạm y tế xã; sửa chữa 203 nhà văn hóa, 51 công trình thủy lợi… 

Tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc

Có thể khẳng định, những kết quả thực hiện công tác dân tộc đã góp phần thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS được triển khai kịp thời, phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương; đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 21,6% (năm 2019) giảm còn 11,1% (năm 2024).

Cầu vào bản Nậm Pù, xã Huổi Một, huyện Sông Mã được xây dựng kiên cố.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024 đề ra mục tiêu giai đoạn 2024-2029: Tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện KT-XH vùng đồng bào DTTS; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung các xã, thôn, bản khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS còn nhiều khó khăn; thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; phấn đấu từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và giữa các dân tộc.

Phấn đấu đến năm 2029, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong đồng bào DTTS giảm từ 1%/năm trở lên; tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề và có thu nhập ổn định đạt trên 50%; xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào DTTS đủ điều kiện hỗ trợ phát sinh hằng năm; 100% số xã vùng đồng bào DTTS có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH; phấn đấu 60% số xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới…

Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tập trung giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS…

Cùng với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đỡ nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng tỉnh phát triển xanh, nhanh, bền vững. 

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới