Điểm tựa nơi bản mường

Gương mẫu trong cộng đồng dân cư, giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đảm bảo an ninh trật tự... là những việc làm của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La. Là “điểm tựa” giữa nhân dân với Đảng, chính quyền và mặt trận tổ quốc các cấp.

Giọng nữ
Ông Tráng Lao Lử (thứ 2 từ phải sang) người có uy tín ở bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng chanh leo.

Đến bản Mường Lựm, bản vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Mường Lựm, huyện Yên Châu với 157 hộ, 716 nhân khẩu sinh sống, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Chúng tôi được giới thiệu về ông Hoàng Văn Mến, người uy tín của bản, luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chăm chỉ lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giữ gìn an ninh trật tự.

Ông Mến tâm sự: Muốn bà con làm theo, bản thân mình phải gương mẫu làm trước. Những năm qua, gia đình tôi đã khai hoang đất trồng mận hậu, đưa giống lúa đặc sản Mắc Đươi và các giống ngô mới vào trồng, thấy hiệu quả, nhân dân trong bản học và làm theo. Bên cạnh đó, tôi vận động các hộ tham gia cùng các lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ gần 20 ha rừng phòng hộ, không để xảy ra cháy và không cho người vào khai thác lâm sản trái phép.

Bà Mùi Thị Hải (đứng giữa), người có uy tín ở bản Chanh, xã Song Pe, huyện Bắc Yên.

Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Mến cùng cán bộ xã, bản tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền và ngày công làm đường bê tông vào bản dài 1.500m; tu sửa mương, phai đảm bảo nước tưới 15 ha lúa...

Anh Hoàng Minh Cường, bản Mường Lựm, xã Mường Lựm, nói: Được ông Mến tuyên truyền, tôi đã vận động con cháu bảo tồn giống lúa Mắc Đươi địa phương. Hiện nay, gia đình có gần 2.000 m2 trồng giống lúa này, thu 1,5 tấn thóc/năm. Gần đây, giống nếp đặc sản này được xây dựng thương hiệu OCOP, giá bán nâng cao 40.000 đồng/kg, góp phần nâng cao đời sống của gia đình.

Ông Vừ Sua Ly, người có uy tín ở bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu.

Tại huyện Thuận Châu, nhắc đến người có uy tín, phải kể đến ông Vừ Sua Ly ở bản Pha Khuông, xã Co Mạ. Ông Ly giỏi trong việc tuyên truyền đồng bào dân tộc Mông thực hiện tốt nội dung cam kết “5 có, 5 không”, tích cực tuyên truyền, vận động bà con không nghe theo kẻ xấu, đối tượng lạ truyền bá các tà đạo.

Ông Ly chia sẻ: Trước đây, bản Pha Khuông là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, nhiều hộ trồng cây thuốc phiện. Do bà con nhận thức hạn chế, một số đối tượng xấu lợi dụng điều này tuyên truyền, lôi kéo bà con tham gia đạo “Vàng Chứ”. Tôi đã cùng với chính quyền xã, các già làng, trưởng bản giải thích cho bà con hiểu, không nghe theo lời kẻ xấu; vận động các dòng họ giữ gìn đoàn kết, duy trì và phát huy những phong tục, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đến nay, bản không có hộ theo đạo lạ.

Giờ đây, nhân dân bản Pha Khuông yên tâm lao động sản xuất, an ninh trật tự đảm bảo, trình độ dân trí nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật cải thiện rõ rệt... Nhiều năm liên tục, bản được công nhận danh hiệu bản văn hóa.

Anh Vừ A Của, bản Pha Khuông, xã Co Mạ, tâm sự: Kẻ xấu có đến gia đình tôi, vận động bỏ bàn thờ tổ tiên theo tà đạo. Nhưng gia đình tôi được già bản Vừ Sua Ly và cán bộ tuyên truyền từ trước, nên hiểu được bản chất sai trái của tà đạo và nhất quyết không tin theo.

Ông Vì Khua Nu (người thứ hai từ trái sang), người có uy tín ở bản Nong Vai, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.188 người có uy tín là già làng, trưởng dòng họ, cán bộ nghỉ hưu, hộ sản xuất kinh doanh giỏi... Đây là những hạt nhân gương mẫu đi đầu trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để sản xuất, phát triển kinh tế; đảm bảo an ninh trật tự; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Vận động nhân dân hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động, nhất là việc vận động bà con tham gia xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như các ông: Tráng Lao Lử, bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu; Vì Văn An, bản Nà Pản, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã; Sồng A Mang, bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên; Hà Ngọc Quý, bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu; Vừ Pháy Chứ, bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu...

Ông Sồng A Mang (đứng bên trái), người có uy tín ở bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên.

Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo chính quyền, đoàn thể ở các địa phương thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín; thăm hỏi nhân dịp Tết; hỗ trợ các gia đình người có uy tín gặp khó khăn; duy trì tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương; cấp các ấn phẩm báo, tạp chí cho đội ngũ người có uy tín để cập nhật kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tạo thêm động lực hoạt động cho người có uy tín, nỗ lực phát huy vai trò trên nhiều lĩnh vực.

Bằng trách nhiệm, những người có uy tín đang tiếp tục phát huy vai trò cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển của địa phương, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt.

Bài, ảnh: Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới