Điểm sáng trong quản lý, sử dụng tiền DVMTR

Sau hơn 5 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại Ngọc Chiến, xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường La. Bất ngờ trước những sự thay đổi nhanh chóng của bản mường nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp xã có thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tạo thêm sinh kế bền vững cho nhân dân.

Giọng nữ
Tuyến đường đá tại bản Phày, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Ông Lò Văn Sây, Chủ tịch UBND xã, phấn khởi, nói: Tuyến đường 109 qua trung tâm xã được mở rộng, đường từ trung tâm xã đi các bản, đường nội bản, liên bản, đều được trải nhựa và bê tông; các công trình trường học, nhà văn hóa, sân vận động, hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Có được những kết quả đó, ngoài thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng cao, thì việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp xã có thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Bây giờ, ở Ngọc Chiến nhân dân đã thực sự coi rừng là nguồn sống và bảo vệ rừng như chính ngôi nhà của mình.

Nằm ở độ cao trung bình 1.800m so với mực nước biển, Ngọc Chiến là xã có diện tích rừng lớn nhất của huyện Mường La, với gần 18.400 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 85%. Điều kiện tự nhiên của xã có vai trò hết sức quan trọng, là khu vực đầu nguồn cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện. Xã có 15 bản, thì 9 bản thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, gắn với dịch vụ du lịch sinh thái.

Trung bình mỗi năm các chủ rừng là cộng đồng bản nhận được từ 13-14 tỷ đồng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và nhận khoán bảo vệ rừng với Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, chiếm hơn 31% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng của huyện Mường La. Để bảo đảm sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận của nhân dân; cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, chỉ đạo, hướng dẫn ban quản lý các bản xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tiền DVMTR. Trong đó, quy định trích 40% phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng; 60% đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn kinh phí DVMTR, xã đã tổ chức hàng trăm hội nghị ở bản tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng; thành lập, củng cố 15 tổ bảo vệ rừng, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ tuần tra bảo vệ rừng và làm các công trình PCCCR.

Điểm nổi bật trong việc sử dụng tiền DVMTR, là xã đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình phúc lợi phục vụ đời sống và sản xuất, mà không cần phải huy động đến sự đóng góp của nhân dân. Để khai thác tiềm năng, thu hút du lịch, xã đã tôn tạo, xây dựng 4 khu tâm linh; gồm nhà thờ tổ Đon Hó, nhà thờ cây thần Sa Mu, nhà thờ Xủ Công bản Lướt, nhà thờ Cốc Nố Xí Tu bản Phày, với tổng trị giá 6 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu tư xây dựng 9 sân vận động ở các bản, trị giá trên 9 tỷ đồng; xây dựng 10,5 km đường điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, lắp hệ thống camera an ninh ở tất cả các bản, trị giá trên 3,1 tỷ đồng; xây dựng 19 cổng bản văn hóa bằng sỏi, gỗ pơ mu, trị giá hơn 2 tỷ đồng; vận động nhân dân bản Kẻ làm khu không gian văn hóa Lẩu Xá của đồng bào La Ha, xây dựng con đường chum; làm khu chong chóng, xây dựng điểm du lịch cọn nước, điểm du lịch đồi thông bon sai tại bản tại Mường Chiến 2; làm bức tranh đá tại các gia đình bản Đông Xuông; xây dựng tuyến đường đá du lịch đào cổ tại Giạng Phổng; khu không gian văn hóa đồng bào Mông tại Chom Khâu; khu du lịch thác Pú Dảnh, không gian văn hóa Hạn Khuống tại Khua Vai; làm 15 thư viện bản, với 20.000 cuốn sách phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân. Tu sửa, mở rộng diện tích, xây dựng các công trình, khu vui chơi ở các điểm trường, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng 10 mô hình chăn nuôi, quy mô từ 10 đến gần 100 con trâu, bò, trồng 355 ha cỏ voi ở bản Đông Xuông và Mường Chiến.

Theo con đường trải nhựa phẳng phiu, chúng tôi vào bản Phày. Ấn tượng ngay từ cổng bản được xây bằng đá, mái lợp gỗ pơ mu, cảm nhận không gian hết sức bình yên. Dẫn chúng tôi vào khu rừng nguyên sinh đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Lường Văn Hoan, chia sẻ: Nhờ bảo vệ tốt hơn 2.700 ha rừng, mỗi năm bản được chi trả gần 1 tỷ đồng DVMTR, ngoài việc chi cho công tác bảo vệ rừng, bản đã vận động bà con làm tuyến đường đá lá đỏ, hoa hồng thơm, suối cá koi và các công trình thu hút khách khu lịch. Bản có 147 hộ, thì chỉ còn 2 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 7 triệu đồng/tháng.

Chia tay Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND xã Lò Văn Sây thông tin thêm: Thực hiện mục tiêu xây dựng Ngọc Chiến trở thành “Miền quê đáng sống”, xã đang tiếp tục đầu tư khoảng 8 tỷ đồng từ nguồn DVMTR xây dựng chợ văn hóa và khu mó tắm khoáng cộng đồng phục vụ khách du lịch và nhân dân. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng, tích cực tham gia trồng mới, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên; phát triển mô hình cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới