Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 30 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 18 xã, phường, gây thiệt hại gần 40 tấn lợn. Hiện nay, còn 2 ổ dịch tại phường Chiềng Cơi, xã Yên Châu chưa qua 21 ngày. Ngành Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với địa phương, triển khai nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn dịch lây lan.

Giọng nữ

Cán bộ Trạm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực VIII hướng dẫn người dân thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại, phòng, chống DTLCP.

Tại xã Yên Châu, ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) mới được ghi nhận tại bản Búng Mo, với 2 hộ bị ảnh hưởng, tổng số lợn tiêu hủy 54 con, trọng lượng gần 2 tấn. Ông Lò Văn Chang, hộ bị thiệt hại, cho biết: Cách đây 1 tuần, gia đình phát hiện lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh, đã báo chính quyền. Sau tiêu hủy, chuồng trại được phun khử trùng bằng hóa chất theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tuần đầu phun hằng ngày, 3 tuần sau phun cách nhật. Gia đình dự kiến tái đàn sau 2 tháng, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Hộ nuôi lợn tại bản Búng Mo, xã Yên Châu, thực hiện các biện pháp phòng, chống DTLCP.

Hiện tại, bản Búng Mo có 65 hộ chăn nuôi, tổng đàn 436 con lợn. Các hộ nghiêm túc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn. Ông Lò Văn Chiến, bản Búng Mo, cho biết: Gia đình tôi vừa tái đàn khoảng 30 con lợn, trọng lượng trung bình 20 kg/con. Trong bản đang có DTLCP, nên gia đình thực hiện biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, chỉ cho một người ra vào chuồng trại, mặc đồ bảo hộ, khử trùng trước khi ra – vào. Ngoài ra, rắc vôi bột quanh chuồng và cổng phòng dịch, tuyệt đối không mua bán, trao đổi lợn trong thời gian có dịch.

Hộ nuôi lợn tại bản Búng Mo, xã Yên Châu, phun tiêu độc khử trùng chuồng  nuôi lợn.

Toàn xã Yên Châu, có 13.499 con lợn nằm trong vùng uy hiếp. Trước diễn biến phức tạp của DTLCP, xã công bố dịch tại bản Búng Mo, thông báo rộng rãi nhân dân chủ động phòng, chống. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo, đội phản ứng nhanh, lập chốt kiểm dịch tạm thời tại khu vực có dịch, kiểm soát chặt việc vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn nhằm khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Ông Đào Quốc Khoa, Phó Trưởng Trạm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực VIII, cho biết: Trạm chỉ đạo viên chức phụ trách địa bàn, hướng dẫn tiêu hủy lợn mắc DTLCP đúng quy định, hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại. Đồng thời, cấp 59 lít hóa chất các hộ phun tiêu độc, tiêu hủy lợn bệnh và giám sát chặt chẽ diễn biến dịch.

Tiêu hủy lợn mắc bệnh DTLCP tại hộ gia đình ông Tòng Văn Du, bản Hùn, phường Chiềng Cơi.

Tại phường Chiềng Cơi, ổ DTLCP mới phát hiện cách đây 5 ngày, đã tiêu hủy 3 con lợn mắc bệnh. Phường phối hợp với Trạm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực XII tuyên truyền, cấp phát 50 lít hóa chất và vôi bột để người dân chủ động vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định. Ông Nguyễn Xuân Ước, Trưởng Trạm, cho biết: Trạm phối hợp tổ chức các hộ chăn nuôi ký cam kết không giấu dịch, không mua bán, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, không vứt lợn chết ra môi trường, không cho lợn ăn thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt. Đến nay, không ghi nhận thêm ổ dịch mới.

Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn; phối hợp lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép.

Xã Yên Châu thực hiện tiêu hủy lợn nhiễm DTLCP theo quy định. 

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chi cục kịp thời tham mưu thành lập các đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc phòng, chống DTLCP; giám sát chặt tình hình dịch bệnh, xử lý dứt điểm, không để lây lan. Đồng thời, cấp 246 lít hóa chất cho các địa phương, chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại.

Khi phát hiện lợn mắc DTLCP, buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn để ngăn dịch lây lan, gây thiệt hại lớn. Vì vậy, tiêm vắc xin DTLCP là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay. Bà Quàng Thị Quý, bản Đán, xã Yên Châu, cho biết: Vắc xin DTLCP có giá khoảng 70.000 đồng/liều, cao nhất trong các loại vắc xin cho gia súc, nhưng chỉ cần tiêm một liều duy nhất, hiệu quả kéo dài tới 6 tháng. Gia đình tôi duy trì tiêm phòng cho đàn lợn hơn 2 năm nay, từ đó không còn xảy ra dịch như trước.

Nguy cơ DTLCP vẫn tiềm ẩn phức tạp, ngành Nông nghiệp và Môi trường khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục theo dõi đàn vật nuôi, tăng cường chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh khử trùng chuồng trại. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, báo ngay cho cơ quan chức năng, chính quyền xử lý kịp thời.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới