Đẩy mạnh thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Thực hiện nhiệm vụ quản lý chất thải rắn trên địa bàn, huyện Phù Yên đã chỉ đạo triển khai các giải pháp đẩy mạnh thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn. Phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe nhân dân.

Mô hình “Ngôi nhà xanh gây quỹ từ rác thải tái chế” trên địa bàn huyện Phù Yên.

Theo thống kê, các nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện hiện nay chủ yếu đến từ các hộ gia đình, khu thương mại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ... Trung bình, lượng rác thải thu gom hơn 22-25 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày một tăng theo chiều hướng phát triển kinh tế, xã hội, gây sức ép cho công tác bảo vệ môi trường; trong khi đó, nguồn lực thực hiện quản lý, thu gom, vận chuyển chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Trước thực trạng đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại, thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn; hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn; chủ động lồng ghép vào các hoạt động hưởng ứng các Ngày “Môi trường thế giới”, “Nước thế giới”, Tháng hành động vì môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...

Ông Cầm Văn Dương, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Yên, cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường. Phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể từng phòng, ban, đơn vị, UBND các xã; tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện. Hiện nay, 11/27 xã, thị trấn của huyện đã triển khai thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển đến bãi chôn lấp rác thải tập trung; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tại đô thị đạt 93%; tỷ lệ thu gom tại nông thôn đạt 88%.

Cùng với đó, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại thị trấn Phù Yên và 3 xã Quang Huy, Huy Bắc, Huy Hạ. Thực hiện chủ trương phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, UBND xã Quang Huy chỉ đạo hàng tuần, tháng tổ chức ra quân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, xây dựng các tuyến đường tự quản, trồng hoa dọc các tuyến đường... Duy trì hoạt động ngày thứ 7 tình nguyện về cơ sở xây dựng NTM, hướng dẫn nhân dân đào hố rác, vệ sinh môi trường, phân loại rác thải.

Ông Cầm Văn An, Chủ tịch UBND xã Quang Huy, cho biết: Xã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn trong quá trình thực hiện; tuyên truyền bằng nhiều hình thức như cổ động trực quan, hướng dẫn trong cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình về việc phân loại rác thải sinh hoạt, bước đầu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, được người dân đồng tình ủng hộ triển khai.

Chị Lò Thị Thiện, bản Mo 2, xã Quang Huy, nói: Khi được tuyên truyền, hướng dẫn về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, gia đình tôi rất đồng tình ủng hộ. Đây là việc làm thiết thực, không mất nhiều thời gian, công sức và phân loại rác như vậy xử lý cũng dễ dàng hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn.

Bằng những hoạt động cụ thể, đến nay, tất các các xã, thị trấn của huyện Phù Yên đã triển khai các mô hình “Ngôi nhà xanh” chung tay, phân loại thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình gắn với mục tiêu “3 sạch”.

Đồng thời, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn đã triển khai hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trên địa bàn được thu gom đạt 90% số lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và được vận chuyển, xử lý, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, trên cơ sở tối đa hóa khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.

Bài, ảnh: Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới