Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025, nhiều công trình nước sinh hoạt đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Vừa qua, gần 100 hộ dân, hơn 400 nhân khẩu của bản Cáy Khẻ, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung của bản, có tổng mức đầu tư hơn 500 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Thào A Luống, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Cáy Khẻ, cho biết: Trước đây, các hộ tự mua ống dẫn nước để lấy nước từ các mó về dùng, không đảm bảo vệ sinh, lãng phí vào mùa mưa do không có bể chứa, mùa khô thì không đủ nước dùng. Được Nhà nước đầu tư bể lọc đầu nguồn và bể chứa nước sinh hoạt dùng chung. Từ giờ không phải lo thiếu nước nữa. Bản đã đưa việc bảo vệ, quản lý, vận hành công trình và bảo vệ rừng đầu nguồn vào quy ước, hương ước của bản, đảm bảo công trình sử dụng lâu dài.
Bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 đến nay, huyện Bắc Yên đã hỗ trợ 156 bồn, téc chứa nước sinh hoạt phân tán cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thành xây dựng mới, nâng cấp 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 471 hộ thuộc các xã đặc biệt khó khăn và bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã vùng I.
Ông Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng và quy định của Nhà nước. Dự án giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, góp phần nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh toàn huyện đạt 100%.
Tại huyện Mộc Châu, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, riêng năm 2024, huyện đã cung cấp bồn chứa nước sinh hoạt cho 213 hộ tại các xã Tân Hợp, Tà Lại, Tân Lập, Lóng Sập, Chiềng Sơn; đầu tư gần 5,3 tỷ đồng xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn xã khu vực III, bản đặc biệt khó khăn của xã khu vực I, II, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân tại các bản Bến Trai, Nà Giàng 2, xã Quy Hướng; các bản trung tâm của xã Tà Lại và Nà Mường; các bản Lũng Mú, Bó Liều, Tầm Phế, xã Tân Hợp; bản Cang, xã Chiềng Khừa.
Ông Hà Mạnh Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu, cho biết: Phòng tiếp tục phối hợp với các xã, bản, rà soát, đánh giá các công trình cấp nước trên địa bàn, đề xuất với UBND huyện đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước phục vụ đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay, UBND huyện đang đề nghị UBND tỉnh đầu tư xây dựng bổ sung 3 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Đông Sang, Chiềng Hắc, Lóng Sập, với tổng kinh phí 10,5 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 95% số hộ vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 145 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 94 công trình nước sinh hoạt tại địa bàn các huyện, thành phố; hỗ trợ bồn chứa nước sinh hoạt phân tán cho 1.370 hộ, tổng trị giá hơn 4,1 tỷ đồng; góp phần nâng tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 97,5%.
Ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Ban tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu và hiện trạng các công trình cấp nước trên địa bàn để đề xuất với UBND tỉnh đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cho đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động nhân dân bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước và các công trình cấp nước sinh hoạt. Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% dân số nông thôn và 98,02% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!