BHYT mang lại cơ hội sống cho người bệnh

Không chỉ giúp người dân giảm bớt nỗi lo về chi phí khám, chữa bệnh, mà BHYT còn là “tấm bùa hộ mệnh” mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh, nhất là những người có thu nhập thấp, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính phải điều trị kéo dài.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên.

Phòng đơn nguyên thận nhân tạo, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên, hằng ngày có từ 12 lượt bệnh nhân bị suy thận mãn tính phải thực hiện lọc máu, chạy thận và điều trị như vậy suốt quãng đời còn lại, với mật độ 3 lần/tuần. Chi phí khoảng 2 triệu đồng/lần chạy thận, quá khả năng chi trả đối với nhiều gia đình, vì đã bị bệnh, đồng nghĩa với mất khả năng lao động, không có thu nhập.

Hơn 10 năm nay, ông Đinh Văn Thưởng, 61 tuổi, ở xã Quang Huy, huyện Phù Yên sống chung với bệnh tiểu đường, 6 năm trước, chuyển sang giai đoạn biến chứng, ông phải cắt một chân. Đến năm 2019, ông tiếp tục phát hiện bị suy thận nặng, từ đó đến nay, mỗi tuần ông phải vào Bệnh viện Đa khoa huyện chạy thận 3 lần/tuần. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, thu nhập chỉ trông chờ vào ruộng, nương, vì vậy, tấm thẻ BHYT như “bùa hộ mệnh” giúp ông chi trả chi phí khám, chữa bệnh và duy trì sự sống. Ông Thưởng xúc động: Nếu không có thẻ BHYT, phải gánh thêm khoản tiền điều trị, chắc chắn tôi không thể sống đến ngày hôm nay. BHYT đã giúp cho tôi giảm được gánh nặng về chi phí, yên tâm chữa trị, tìm lại hy vọng sống.

Bác sĩ Vì Duy Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên, cho biết: BHYT có lợi cho tất cả mọi người, nhất là với những người mắc bệnh mãn tính, phải điều trị thường xuyên, như suy thận, bệnh liên quan đến tim mạch, BHYT sẽ san sẻ gánh nặng chi phí điều trị của các gia đình không may có người thân bị bệnh.

BHYT, còn “cứu cánh” cho những người không may gặp phải hoạn nạn bất ngờ. Hơn 4 tháng trước, chị Lê Thị Hương Liên, 50 tuổi, tổ 3, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La bị mắc bệnh hoại tử xương, thường đau lưng, bại hông không đi lại được. Với tiền sử bệnh nền tiểu đường 17 năm, nên quá trình điều trị của chị phải qua nhiều bệnh viện từ tuyến tỉnh, đến Trung ương, nhờ có thẻ BHYT, gia đình chị chỉ phải chi trả 20% tổng chi phí điều trị bệnh. Chị Liên chia sẻ: Trong đợt trị bệnh vừa qua, tôi phải điều trị qua 9 bệnh viện, tổng chi phí gần 1 tỷ đồng, nhờ có thẻ BHYT, gia đình phải chi trả hơn 300 triệu đồng, nên giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình rất nhiều. Những người bị bệnh như tôi, thẻ BHYT có giá trị thiết thực. Hiện nay, thẻ BHYT tiếp tục giúp tôi điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.152.800 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,96% dân số có mặt tại tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 143.270 lượt bệnh nhân được giám định chi phí khám chữa bệnh.

Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHYT; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, bảo đảm người dân được tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHYT. Ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh; nhất là sử dụng căn cước công dân trong khám, chữa bệnh BHYT. Đồng thời, BHXH tỉnh tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, thực hiện các quy định về chuyên môn trong khám, chữa bệnh, phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về BHYT, hành vi lợi dụng quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

BHYT thực sự là điểm tựa, mang lại cơ hội sống cho người bệnh; giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, mang lại hạnh phúc cho mọi người dân.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới