Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các ngành, địa phương tỉnh Sơn La thường xuyên quan tâm xem xét, giải quyết nhu cầu chính đáng của nhân dân về hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo
Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 36.900 người theo tôn giáo, gồm 4 tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cơ đốc giáo; trong đó, tín đồ theo đạo Tin Lành chiếm 67%.
Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo các cấp làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, ngành chức năng và hệ thống dân vận, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm tình hình hoạt động và hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng quy định.
UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh giữa các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để chức sắc, tín đồ được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các lễ nghi trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Hằng năm, tổ chức gặp mặt chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo; ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương quản lý các điểm nhóm sau cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
UBND các huyện, thành phố đã rà soát, thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó, có đất dành cho cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trình UBND tỉnh phê duyệt. Toàn tỉnh đã có 8 cơ sở tín ngưỡng, 1 cơ sở tôn giáo được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn, phổ biến các nội dung của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức và chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo.
Ông Lại Như Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chia sẻ: Từ năm 2021 đến nay, Sở ban hành hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và công tác quản lý điểm nhóm đạo Tin lành; xây dựng kế hoạch khảo sát các điểm sinh hoạt tôn giáo đạo Công giáo tại các huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La. Tham mưu UBND tỉnh chấp thuận thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh; thành lập giáo xứ Mộc Châu, Mường La thuộc Giáo phận Hưng Hóa và Ban đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam tỉnh. Lễ trọng của các giáo xứ được các cấp chính quyền quan tâm, chấp thuận tổ chức, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, tín đồ tôn giáo.
Nắm bắt tình hình hoạt động
Yên Châu có gần 400 hộ, 1.350 nhân khẩu theo đạo Tin lành, Công giáo và Phật giáo. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân vùng cao, biên giới còn hạn chế, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động, truyền đạo trái pháp luật. Tại một số xã, xuất hiện điểm nhóm tôn giáo tự phát hoạt động, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh trật tự.
Đồng chí Tráng Lao Lanh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Yên Châu, cho biết: Ban Dân vận Huyện ủy đã phối hợp với các xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống; tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo sinh hoạt theo quy định; xây dựng mối quan hệ với chức sắc, người phụ trách hoạt động tôn giáo thông qua các cuộc thăm hỏi, động viên vào dịp lễ, tết. Các xã thành lập tổ công tác xuống các bản, vận động bà con nâng cao nhận thức, cảnh giác, không nghe, không tin theo những luận điệu sai trái; kiên quyết ngăn chặn các tà đạo, đạo lạ, xử lý nghiêm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật.
Lóng Phiêng là xã biên giới của huyện Yên Châu có 4 bản, 151 hộ, 276 nhân khẩu theo đạo. Do chưa được công nhận tư cách pháp nhân, nên mọi hoạt động của nhóm tổ chức tại nhà của một số hộ dân. Ông Vì Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Ngay khi các nhóm tôn giáo mới hình thành, UBND xã yêu cầu người đại diện nhóm đăng ký hoạt động theo quy định; ký cam kết không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Còn tại xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu có 35 hộ, 168 nhân khẩu đồng bào Mông theo đạo Tin lành sinh hoạt thường xuyên. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã tăng cường xuống các bản gặp gỡ, tiếp xúc các trưởng, phó nhóm đạo, nắm bắt tình hình hoạt động, sinh hoạt tôn giáo.
Là bản xa nhất của xã Chiềng Khừa, bản Xa Lú có 16 hộ tham gia sinh hoạt tôn giáo. Vào sáng chủ nhật hằng tuần, các hộ dân lại tới nhà nguyện của điểm nhóm Tin Lành để sinh hoạt. Tại đây, các tín đồ được mục sư giảng giải về nếp sống văn minh, không cờ bạc, rượu chè, ma túy, sống “tốt đời, đẹp đạo”... Những lời răn dạy đã giúp các hộ dân theo đạo nơi đây luôn sống hòa hợp, từng bước xóa bỏ các tệ nạn, tập trung phát triển sản xuất, chăm sóc gia đình.
Ông Thào A Di, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Xa Lú, nói: Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, các hộ theo đạo nâng cao nhận thức, có ý thức tuân thủ các quy định trong sinh hoạt. Theo đạo, nhưng các gia đình gìn giữ phong tục, tập quán của đồng bào Mông, chấp hành tốt quy ước, hương ước, gắn với việc thực hiện cam kết “5 có, 5 không”; đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới; không nghe theo lời kẻ xấu kích động, xúi giục lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
Công tác tôn giáo trong tình hình mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tôn giáo nói chung, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nói trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế như: Vẫn còn xảy ra việc chức sắc, tín đồ tôn giáo vào địa bàn tỉnh hoạt động không đăng ký, một số điểm nhóm tổ chức cuộc lễ chưa thực hiện theo đúng như nội dung đã đăng ký với chính quyền địa phương; các phần tử xấu tìm cách lợi dụng hạn chế hiểu biết của bà con truyền đạo trái phép; đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở cấp xã còn hạn chế; tình trạng vi phạm trong xây dựng cơ sở thờ tự, lấn chiếm đất đai liên quan đến tôn giáo còn xảy ra…
Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tôn giáo, thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó chú trọng đội ngũ chức sắc và đồng bào có tôn giáo; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã; tăng cường bám nắm tình hình hoạt động tôn giáo, phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, hoạt động mê tín, dị đoan; giải quyết những vụ việc phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo ngay từ cơ sở; tích cực vận động bà con giáo dân chấp hành tốt quy ước, hương ước khu dân cư, hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá.
Việc tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; coi trọng chính sách đoàn kết, hòa hợp giữa các tôn giáo; đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp và ổn định, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!