Bắc Yên phát triển nông lâm nghiệp bền vững

Với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, huyện Bắc Yên đã tập trung nhiều giải pháp phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng; triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ, tăng cường hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Giọng nữ
Nông dân xã Tà Xùa thu hái chè.

Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Với mục tiêu phát triển nông lâm nghiệp theo hướng bền vững, huyện đã khai thác tiềm năng lợi thế từng vùng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp. Chỉ đạo các xã, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Với các xã vùng cao, tập trung phát triển cây sơn tra, cây chè, cây ăn quả ôn đới, phát triển kinh tế rừng, trồng rừng và cây dược liệu dưới tán rừng. Các xã vùng thấp, ven sông Đà phát triển các loại cây ăn quả và chăn nuôi. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường, chủ động phối hợp tháo gỡ đầu ra cho nông sản hàng hóa.

UBND huyện lồng ghép các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, sau 4 năm, triển khai thực hiện 34 mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện, tổng kinh phí hỗ trợ trên 38,3 tỷ đồng, với 8.862 hộ được hưởng lợi. Gồm các mô hình, như: Hỗ trợ trồng cây xanh phân tán theo Đề án trồng một tỷ cây xanh; trồng gần 10.000 cây phân tán dọc đường hành lang giao thông; triển khai mô hình thử nghiệm ghép mắt lê trên cây sơn tra thực sinh; hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị sản xuất thảo quả, sa nhân tím; hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị sản xuất chè Shan tuyết; mô hình trồng măng tre bát độ phục vụ chế biến xuất khẩu; mô hình trồng đào ghép giống địa phương...

Tại xã vùng cao Tà Xùa, ông Đinh Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: 5 năm trở lại đây, xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm chè Tà Xùa. Thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, cùng các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, xã đã hỗ trợ nhân dân chăm sóc giống chè đặc sản; chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống chè Shan tuyết chất lượng cao.

Đến nay, toàn xã có khoảng 300 ha cây chè Shan tuyết, trong đó, khoảng 40 ha cây chè Shan tuyết cổ thụ, gần 3.000 cây ở bản Bẹ có độ tuổi 100-300 năm và hơn 250 ha chè dưới 100 năm tuổi ở bản Tà Xùa và Chung Chinh. Xây dựng được 4 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP. Xã khuyến khích bà con tham gia vào HTX để mở rộng vùng nguyên liệu, gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân bản Tân Ban, xã Phiêng Ban, chiết ghép nhân giống măng tre Bát độ.

Được hướng dẫn kỹ thuật, nhiều hộ dân ở xã Phiêng đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi diện tích đất dốc đang canh tác cây lương thực hiệu quả thấp, chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa. Hiện nay, nông dân trong xã canh tác trên 350 ha cây ăn quả, thâm canh hơn 300 ha lúa, trồng gần 400 ha sắn, 55 ha măng tre bát độ, trên 70 ha cỏ voi, chăn nuôi trên 37.800 con gia súc, gia cầm.

Là một trong những hộ của xã được hỗ trợ giống trồng măng tre bát độ, đến nay, sau 3 năm trồng, vườn măng tre bát độ của gia đình ông Hoàng Văn Thuận, bản Tân Ban, xã Phiêng Ban, bắt đầu cho thu hoạch. Ông Thuận chia sẻ: 300 gốc tre phát triển tốt, phù hợp khí hậu, ngoài thu hoạch măng để bán, gia đình tiếp tục chiết mắt gây giống, mở rộng diện tích và bán cho các hộ có nhu cầu với giá 15.000 đồng/cành.

Hộ nghèo xã Làng Chếu được hỗ trợ bò sinh sản.

Giai đoạn 2021-2024, huyện Bắc Yên thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, tổng diện tích các loại cây trồng chủ yếu của huyện đạt trên 24.500 ha. Trong 4 năm, trồng mới 134,2 ha chè; 205,8 ha thảo quả, sa nhân tím; vận động nhân dân ghép mắt và trồng một số cây ăn quả giống mới có hiệu quả kinh tế cao; mở 96 lớp tập huấn tự nguyện hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất gần 4.500 lượt người dân. Đến nay, toàn huyện có 3.382 ha cây ăn quả áp dụng giống, công nghệ mới, sản lượng quả các loại 7.238 tấn.

Nhân rộng, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, huyện Bắc Yên tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng huyện vùng cao ngày càng phát triển.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới