Thực hiện nội dung cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông ở huyện Bắc Yên, đã tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị địa bàn.
Huyện Bắc Yên hiện có 14 dòng họ dân tộc Mông, sinh sống tại 56 bản, thuộc các xã, thị trấn, với gần 34.000 nhân khẩu, chiếm 47,1% dân số toàn huyện. Đồng chí Đỗ Văn Xiêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Yên, cho biết: Để nội dung cam kết “5 có, 5 không” đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nội dung cam kết gắn với các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện quy ước, hương ước ở khu dân cư. Phát huy vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các nội dung cam kết.
Cùng với đó, huyện cũng đã chú trọng triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, như cho hộ nghèo vay vốn xóa đói, giảm nghèo, đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng bằng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó, tập trung phát triển giao thông nông thôn đến các xã, bản khó khăn, tạo thuận lợi cho đồng bào đi lại, vận chuyển hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Giai đoạn 2019-2024, huyện Bắc Yên đã đầu tư bê tông hóa 57 tuyến đường, tổng chiều dài 65,9 km; mở mới 4 tuyến đường đến khu sản xuất, dài 13,3 km, xây mới 2 cây cầu bê tông. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 67/99 bản có đường từ trung tâm xã đến bản được cứng hóa…
Thực hiện nội dung “5 có” (Có đổi mới tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, tranh thủ nguồn lực, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo; có tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, các dân tộc và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông; có ý thức xây dựng bản mới phát triển toàn diện, no ấm, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự; có nhiều người hiếu học, biết chữ, chăm làm, công tác tốt), đến nay, bà con các xã vùng cao đã tích cực chuyển đổi trồng các loại cây có lợi thế, như chè, sơn tra, các loại cây dược liệu, thảo quả, sa nhân, tích cực cải tạo, khai hoang ruộng bậc thang để làm du lịch... Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, sản phẩm đặc trưng, cho thu nhập cao, như: Rượu Hang Chú của HTX Tiến Hưng; sơn tra sấy khô, thảo quả sấy khô của HTX nông nghiệp sơn tra Bắc Yên; mô hình sản xuất, chế biến miến dong của gia đình ông Sồng A Mang, bản Cáo A, xã Làng Chếu; trồng táo sơn tra của gia đình ông Giàng A Chinh, bản Nậm Lộng, xã Hang Chú; trồng cây mận hậu của gia đình ông Thào A Su, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài...
Triển khai các nội dung “5 không” (Không du canh du cư, vượt biên trái phép và làm việc xấu; không truyền học đạo trái phép và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; không để người chết nhiều ngày, không để ngoài áo quan và mổ nhiều trâu, bò; không trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy; không tảo hôn, thách cưới khi lấy vợ, gả chồng, đẻ nhiều con), các dòng họ đã thay đổi trong việc tang, giảm bớt những hủ tục rườm rà, không còn mổ nhiều trâu, bò, không còn tổ chức dài ngày. Việc đưa người chết vào áo quan ngay từ khi tổ chức lễ tang trong nhà đã có nhiều dòng họ, gia đình thực hiện. Cùng với đó, đồng bào dân tộc Mông tích cực gìn giữ, bảo tồn nét truyền thống trong trang phục, tiếng nói, lễ hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con.
Xã Xím Vàng có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đồng chí Mùa A Khay, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, xã đã phát huy vai trò cán bộ, đảng viên tiên phong đi đầu trong xóa bỏ các hủ tục, áp dụng kỹ thuật, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, giữ gìn bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch... để bà con học tập, làm theo. Hiện nay, toàn xã có 370 ha ruộng bậc thang, 560 ha sơn tra, 50 ha thảo quả... Riêng năm 2024, toàn xã đón khoảng 3.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Việc thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông huyện Bắc Yên đã góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; nâng cao ý chí, nghị lực vươn lên trong phát triển kinh tế, khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức làm chủ, đoàn kết, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!