Cây mía đã và đang trở thành cây trồng chủ lực ở xã Cò Nòi (Mai Sơn), giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở xã xuống còn 6,96%.
Nông dân bản Lạnh, xã Cò Nòi (Mai Sơn) làm cỏ mía niên vụ 2016-2017.
Ông Lò Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Cò Nòi cho biết: Cây mía đã được bà con ở xã trồng từ năm 1977, nhưng diện tích không nhiều, sản phẩm chưa trở thành hàng hóa. Năm 1995, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La có chính sách hỗ trợ nông dân trồng mía và bao tiêu sản phẩm. Từ đó, bà con trong xã mở rộng diện tích trồng mía. Đến nay, mía đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Hiện, Cò Nòi có diện tích mía lớn nhất huyện. Riêng niên vụ mía năm 2015-2016, xã trồng 1.536 ha, sản lượng đạt 96.633 tấn mía cây, chiếm 1/3 sản lượng mía của toàn huyện. Niên vụ mía năm nay, toàn xã có 1.508 hộ trồng 1.853 ha mía.
Để phát triển vùng nguyên liệu mía, hằng năm xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông, hội nông dân, các trưởng bản phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La chuyển giao kỹ thuật cho các hộ trồng mía. Năm 2016, xã được Công ty hỗ trợ dịch vụ làm đất, trồng các loại giống mía: Roc22, Roc10, R597, My5514, QDD94, R579… Các giống mía mới có khả năng chịu hạn, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Ngoài ra, Công ty còn cung ứng 2.108 tấn phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật, trị giá 950 triệu đồng…
Đến thăm bản Phiêng Nặm bản trồng nhiều mía nhất xã, được anh Lò Văn Nam, Trưởng bản dẫn đi thăm những nương mía rộng ngút tầm mắt. Anh thông tin: Bản có 90 hộ trồng 120 ha mía. Sản lượng mía niên vụ 2015-2016 đạt 9.600 tấn. Tiêu biểu là gia đình ông Lò Văn Đoàn trồng 7 ha, sản lượng 700 tấn mía cây; Lò Văn Thanh trồng 6 ha, sản lượng 600 tấn/năm… thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm. Để đạt được kết quả đó, những năm qua, bản đã được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc mía. Đồng thời, cung ứng phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật, mía giống cho các hộ trồng mía... Hiện nay, cây mía đang sinh trưởng tốt, các hộ tập trung làm cỏ, chuẩn bị bón phân đợt 2 và phun thuốc trừ rệp, sâu đục thân, diệt bệnh than.v.v.
Theo các hộ trồng mía trong xã, việc trồng mía không quá vất vả, khi bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch, bón phân lót, bón thúc, làm cỏ 2 lần và phòng trừ sâu bệnh… Sau 5 năm mới phải trồng lại. 1 ha mía sau khi trừ chi phí lãi 40 triệu đồng, cao hơn 20 triệu đồng/ha so với trồng ngô. Bên cạnh đó, các hộ trồng mía còn tận dụng lá mía, ngọn mía để chăn nuôi gia súc. Trung bình 2 ha mía có thể tận dụng lá, ngọn để chăn nuôi từ 5 đến 6 con trâu, bò. Nhờ vậy, đàn trâu, bò ở xã hiện có trên 13.400 con. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn từ dịch vụ thu hoạch, trồng mía.
Những cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân trong việc phát triển vùng nguyên liệu mía đã tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở xã Cò Nòi.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!