Sau 4 năm đặt chân lên đất Sơn La, cây chanh leo của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc sau khi trồng thử nghiệm thành công đến nay đã có diện tích gần 1.500 ha. Đặc biệt với chiến lược phát triển lâu dài, Nafoods Tây Bắc đã đưa Nhà máy công suất thiết kế 120 tấn quả/ngày chế biến chanh leo, rau củ quả vào vận hành giai đoạn 1. Khát vọng về một quy trình khép kín từ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đến xuất khẩu được hình thành.
Niềm vui ngày mùa chanh leo
Mô hình trồng chanh leo ở xã Chiềng Sơn (Mộc Châu).
Cách Trung tâm thị trấn Nông trường Mộc Châu 30 km, chúng tôi đến xã Chiềng Sơn (Mộc Châu), từ trên đỉnh dốc, nhìn xuống triền đồi những vườn chanh leo rộng hàng ha kéo dài ngút tầm mắt đang vươn mình xanh ngát. Đang chốt sổ cuối ngày, ông Nguyễn Văn Mão, Giám đốc HTX Chiềng Sơn thông tin: Riêng ngày hôm nay, HTX đã thu gom và cung cấp cho Nhà máy chế biến chanh leo được hơn 1 tấn. Năm nay chanh leo được mùa Công ty thu mua giá cao, 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Nhiều hộ như ông Đặng Văn Thái, ông Nguyễn Bá Bình năm nay thu về 300 - 400 triệu đồng/ha. Thấy hiệu quả kinh tế, vụ vừa qua, HTX đã mở rộng diện tích, nâng tổng diện tích trồng chanh lên 13 ha. Nhà ít vài nghìn m², nhà nhiều có tới 1 đến gần 2 ha. Giá chanh leo của HTX luôn được Công ty thu mua cao hơn vì toàn bộ chanh leo của HTX được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất và chất lượng sản phẩm tốt. Cứ đà này, vụ tới rất nhiều hộ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh leo, trước mắt HTX sẽ thuê 5 ha đất của xã để nâng tổng diện tích trồng chanh leo lên 20 đến 30 ha.
Theo giới thiệu của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, chúng tôi tiếp tục đến xã Chiềng On - là xã vùng biên đặc biệt khó khăn của huyện Yên Châu. Những năm trước đây, cây ngô chiếm phần lớn diện tích đất canh tác ở đây, từ năm 2017, khi mô hình liên kết giữa Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc với Tổ hợp tác trồng chanh leo Chiềng On ra đời, đã đưa cây chanh leo vào đây. Tổ trưởng Vì Văn Nèn, cho biết: Năm 2017, được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc hỗ trợ bán cây giống trả chậm (khấu trừ dần khi chanh leo cho thu hoạch), đã có 80 hộ dân thuộc 6 bản trong xã mạnh dạn đầu tư trồng chanh leo, hộ ít chỉ 30 - 50 gốc, hộ nhiều 300 - 400 gốc, với tổng diện tích của Tổ hợp tác khoảng 15 ha. Riêng gia đình ông cũng trồng 150 gốc, năm đầu bán quả được gần 40 triệu đồng. Các hộ có diện tích lớn đã có thu nhập 200 - 250 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế, hiện nay rất nhiều hộ đăng ký trồng chanh leo trong vụ tới để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Kết nối để tạo nên thương hiệu
Ngay từ khi đặt chân lên Tây Bắc, liên kết “4 nhà”, trong đó nòng cốt là HTX đã được Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Từ 8 ha chanh leo trồng thử nghiệm năm 2015, đến nay, Nafoods Tây Bắc đã mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu lên gần 1.500 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mộc Châu 576 ha; Yên Châu 147 ha; Vân Hồ 154 ha; Mai Sơn gần 162 ha; Thuận Châu 146 ha; Phù Yên 158 ha... Ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 20 HTX, tổ hợp tác. Đây là những con số đầy ấn tượng nói lên những nỗ lực của Nafoods Tây Bắc trong hành trình phát triển cây chanh leo ở tỉnh miền núi khó khăn.
Những ngày giáp tết, Nhà máy chế biến chanh leo, rau củ quả của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tại Khu Công nghiệp Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu vẫn tấp nập, nhộn nhịp. Những chuyến xe chở đầy chanh leo từ các ngả đổ về nhà máy. Ông Lê Hoài Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, thông tin: Nhà máy với một số thiết bị công nghệ cao, khi dây chuyền đi vào hoạt động, các sản phẩm chanh leo được trồng ở Sơn La sẽ trực tiếp sản xuất tại nhà máy và xuất khẩu sang các nước trên thế giới gồm: Sản phẩm quả tươi, quả đông lạnh, dịch cô đặc xuất khẩu. Hiện, Công ty đã xuất khẩu thành công trên 100 tấn quả chanh leo tươi sang thị trường Châu Âu và 10 tấn dịch sạch sang thị trường Hàn Quốc; cung cấp 531 tấn dịch để Nhà máy Nghệ An chế biến dịch cô đặc xuất sang các nước Châu Âu. Đến nay, quả chanh leo Sơn La đã xuất khẩu sang các nước: Pháp, Thụy Sỹ, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc...
Khát vọng làm giàu
Chia sẻ những dự định của Nafoods sẽ thực hiện trong thời gian tới, ông Lê Hoài Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, cho biết: Năm 2019, Công ty sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu lên 2.000 ha, đồng thời, sẽ triển khai trồng tại các tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Cùng với đó, trồng thử nghiệm mô hình tại Yên Bái, Lai Châu. Tập trung cao cho việc hướng dẫn kỹ thuật xây dựng vùng nguyên liệu chanh leo sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP với diện tích dự kiến duy trì từ 70 đến 100 ha chanh leo để đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu.
Những thông tin về chanh leo đang mở thêm những bước tiến đối với cây trồng mới này. Viện nghiên cứu chiến lược Nafoods đang phối hợp với Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods nghiên cứu thử nghiệm giống chanh leo mới, với các ưu điểm quả to, có khả năng kháng bệnh tốt và tự thụ phấn, đặc biệt giống chanh leo sẽ cho quả quanh năm khắc phục tình trạng “cây chanh leo ngủ đông 2 tháng” để nâng cao năng suất và thu nhập cho người dân. Cùng với đó, ngày 24/07/2018, Chính phủ Australia đã chính thức khởi động Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT) tại khu vực Tây Bắc Việt Nam. Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc là một trong các ứng viên được lựa chọn trở thành đối tác của Dự án. Đây là cơ hội lớn cho phụ nữ các dân tộc trên địa bàn. Khi nhà máy chế biến chanh leo, rau củ quả xuất khẩu tại địa bàn huyện Mộc Châu - vùng lõi phát triển cây chanh leo hoàn thành đi vào sản xuất sẽ tạo việc làm, với mức thu nhập ổn định cho tối thiểu từ 70 đến 80 lao động nữ.
Với định hướng chiến lược bài bản, khoa học và đội ngũ cán bộ có trình độ, nhiệt tình, say mê với công việc, Nafoods Tây Bắc sẽ còn gặp hái được nhiều thành công hơn nữa trong hành trình nâng cao vị thế Nafoods và giúp dân làm giàu trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung, góp phần cùng với tỉnh Sơn La và các tỉnh vùng Tây Bắc hiện thực hóa lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!