Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

“Cô gái mở đường” năm xưa

Trong thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, có sự đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). Những chiến sỹ TNXP tại Ngã 3 Cò Nòi hay những cô gái TNXP trên dãy Trường Sơn năm xưa mãi là những tấm gương sáng về lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, để thế hệ hôm nay thêm tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc. Cựu TNXP - “cô gái mở đường” năm xưa, Nguyễn Thị Hòa, tổ 11, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, đã góp phần làm nên truyền thống vẻ vang ấy!

Bà Nguyễn Thị Hòa giao lưu tại cuộc Gặp mặt

kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong năm 2019.

Đường đến Trường Sơn

Tôi được gặp bà Nguyễn Thị Hòa tại cuộc Gặp mặt Kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2019) và trao giải thưởng sáng tác về chủ đề “Ngã ba Cò Nòi Anh hùng - Tầm vóc và giá trị lịch sử” do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy tổ chức. Hôm đó, bà Hòa đã kể lại câu chuyện về các nữ TNXP năm xưa “phá đá, mở đường” cho những đoàn xe vận tải của hậu phương miền Bắc và bộ đội hành quân vào chiến trường miền Nam. Ký ức hào hùng đẩy lên cao trào khi bà Hòa hát tặng các đại biểu bài “Nổi lửa lên em” của Nhạc sỹ Huy Du (lời thơ Giang Lam). Mặc dù tuổi đã cao, nhưng  giọng hát cao vút và truyền cảm của bà đã cho chúng tôi cảm nhận tinh thần lạc quan, yêu đời, tràn đầy tinh thần cách mạng của cô gái TNXP năm xưa, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc. Và, ấn tượng về bà đã thôi thúc tôi tìm đến thăm bà, nghe câu chuyện của “cô gái mở đường” ngày ấy.

Bà Nguyễn Thị Hòa sinh ra và lớn lên ở xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, bà tham gia lực lượng TNXP từ năm 16 tuổi. Nay đã ở tuổi 70, nhưng khi nhắc về những tháng năm đó, bà Hòa vẫn nhớ như in: Không chỉ quê tôi, mà thanh niên ở các địa phương khác cũng đều hừng hực khí thế ra trận, quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ. Vì vậy, khi mới chỉ 16 tuổi (năm 1965), tôi cùng một số chị gái khác trong thôn viết đơn xin nhập ngũ và được phân công về đơn vị TNXP đóng tại tỉnh Yên Bái. Chúng tôi nhận nhiệm vụ mở đường từ bến phà Âu Lâu đến thị xã Nghĩa Lộ trong 2 năm từ (1965-1967). Đến khoảng giữa năm 1967, trong đội TNXP chỉ có 30 TNXP là nữ được chọn để sáp nhập với một số đơn vị khác thành lập đơn vị mới gồm 100 người hành quân vào Trường Sơn. Tôi là thành viên của một trong những đơn vị TNXP 367 Trường Sơn - một trong những đơn vị đầu tiên hành quân mở đường mòn Hồ Chí Minh.

Kể đến đây, trên nét mặt “cô gái mở đường” Nguyễn Thị Hòa tràn đầy niềm tự hào về những năm tháng thanh xuân tham gia nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện cho miền Nam ruột thịt: Từ Yên Bái đến điểm tập kết tại Khe Sanh - Quảng Trị, đơn vị TNXP 367 Trường Sơn phải hành quân trong 6 tháng (từ cuối năm 1967 đến đầu năm 1968). Trên đường hành quân, chúng tôi phải đối mặt với mưa bom bão đạn ác liệt của kẻ thù với âm mưu hòng cắt đứt và làm tê liệt tuyến đường vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn. Hầu hết các đoàn quân vào tiền phương trong thời gian này đều phải hành quân vào ban đêm, có những đoạn đường khó đi hay không xác định được phương hướng có thể bị lạc trong rừng. Những ngày đầu ở đường mòn Hồ Chí Minh, chưa có nhiều các binh trạm, nên khi hết lương thực mang theo, chúng tôi đều được người dân giúp đỡ, cho gạo, dẫn đường qua những chốt của địch. Trên chặng đường hành quân, nhiều đoạn phải băng rừng, vượt núi đá tai mèo lởm chởm trong khi mỗi người mang trên lưng khoảng 30-40 kg quân trang, gồm 10 cân gạo, quần áo, nồi niêu, súng, đạn... rất gian khổ, nhưng tất cả chúng tôi vẫn hăng hái, tràn đầy niềm tin chiến thắng.

Trận Khe Sanh và những năm tháng ở rừng Trường Sơn 

Sau 6 tháng hành quân, trung tuần tháng 3/1968, đơn vị TNXP 367 Trường Sơn đã đến điểm tập kết tại Khe Sanh - Quảng Trị,  đúng vào thời điểm cuối, giai đoạn I của chiến dịch Khe Sanh. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, trận đánh Khe Sanh – Đường 9 ở mặt trận Quảng Trị được coi là đỉnh cao của chiến thuật nghi binh của quân đội ta, từ đó, đã mở đường cho bộ đội và du kích của ta ở các địa phương tấn công vào các thành phố lớn và căn cứ quân sự của địch ở miền Nam được đẩy nhanh tiến độ. Trong trận đánh này, rất đông lực lượng quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tập kết ở đây. Mỹ đã đưa rất nhiều vũ khí, công nghệ và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất thời bấy giờ vào cuộc chiến, đặc biệt là hàng rào điện tử Mcnamara, cùng bom từ trường hòng cắt đắt đường Trường Sơn. Thời gian này, lực lượng TNXP nói chung và các “Cô gái mở đường” nói riêng đã quên mình để thông xe trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và đã có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh để thông xe, thông tuyến.

Cựu TNXP Nguyễn Thị Hòa bồi hồi nhớ lại: Tại Khe Sanh, có một sự kiện trọng đại đối với tôi, đó là ngày 4/6/1968, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Và một kỷ niệm tôi cũng không thể quên. Đó là một lần, sau khi máy bay Mỹ oanh tạc, đội chúng tôi 13 người ra sửa đường, rà phá bom nổ chậm, bom từ trường và lấp những hố bom để xe ta đi qua. Thật không may, quả bom từ trường phát nổ, tôi bị đất đá vùi lấp, ngất đi và sau đó được các đồng đội cứu về binh trạm. Lau giọt nước mắt tràn trên khóe mắt, bà Hòa nghẹn ngào: Khi tỉnh lại, tôi mới biết, cả 12 đồng đội của tôi đã hy sinh, chỉ duy nhất mình tôi còn sống. Tôi nghĩ mình may mắn hơn các chị, nên cố gắng nhiều hơn để làm thay phần việc của các chị đã hy sinh.

Bà Nguyễn Thị Hòa chia sẻ những câu chuyện ở chiến trường cùng đồng đội.

Ngoài lần bị thương đó, bà Hòa còn bị thương thêm 3 lần khác khi sửa đường, rà phá bom nổ chậm. Song bà và các đồng đội luôn dũng cảm với tinh thần: Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm, máu có đổ nhưng đường không bao giờ tắc. Những công việc thường là của nam giới chở đá, cuốc đất, lấp hố bom đều được các nữ TNXP hoàn thành xuất sắc, đảm bảo các đoàn xe vận tải đi qua an toàn. Mặc dù hiểm nguy, nhưng họ luôn lạc quan, yêu đời và coi sự hy sinh “nhẹ tựa lông hồng”, còn sống là còn chiến đấu, phải luôn bảo đảm cho đường thông suốt cho bộ đội hành quân và vận chuyển hàng hóa ra chiến trường.  Câu chuyện của bà Hòa làm chúng tôi nhớ đến những câu trong bài hát “Cô gái mở đường” của nhạc sỹ Xuân Giao: “...Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường. Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường. Em đi lên rừng cây xanh mở lối, em đi lên núi núi ngả cúi đầu. Em đi bắc những nhịp cầu nối những con đường Tổ quốc yêu thương, cho xe thẳng tới chiến trường...”.

Sau những lúc ra sửa đường, bộ đội và TNXP trở về sinh hoạt tại các binh trạm trên dãy Trường Sơn. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, mỗi binh trạm cách nhau khoảng 40 km để tiện cho việc tiếp ứng và bảo đảm nguyên tắc an toàn tuyệt đối. 4 năm ở rừng Trường Sơn (từ 1968-1971), bữa ăn hàng ngày chỉ có rau rừng, măng rừng, gạo trắng; thỉnh thoảng, các chị tự cải thiện bằng cách mò cua, bắt cá ở suối. Thiếu thốn, khó khăn là thế, nhưng binh trạm luôn tràn ngập tiếng cười, mỗi người một miền quê, nhưng yêu thương nhau như chị em cùng một nhà.

Thay cho lời kết

Sau 4 năm ở chiến trường, tháng 1/1971, đơn vị TNXP của bà Hòa được lệnh rút ra, nguyên nhân chính là do dịch sốt rét bùng phát ở các binh trạm, các chiến sỹ mắc bệnh sốt rét khá nhiều. Cùng năm đó, bà Hòa được xuất ngũ trở về quê hương Vĩnh Phúc và công tác ở ngành lương thực, đến năm 1978, gia đình bà chuyển về sinh sống và làm việc tại thị xã Sơn La. Trở về cuộc sống thường ngày, cô gái TNXP năm xưa lại chung tay cùng bà con tổ dân phố xây dựng cuộc sống. Trong thời gian bà Hòa ở chiến trường, bà và nhiều đồng đội khác bị nhiễm chất độc da cam, di chứng của chất độc đã khiến bà mắc bệnh ung thư, hiện đã chuyển sang giai đoạn di căn, nhưng “cô gái mở đường” năm xưa vẫn luôn lạc quan, yêu đời.

Kể về bệnh tình của mình, bà Hòa trải lòng: Ở chiến trường đối mặt với mưa bom, bão đạn của kẻ thù, 3 lần bị thương nặng và 1 lần bị bom đạn vùi lấp, chưa khi nào tôi cảm thấy sợ. Tôi may mắn hơn các đồng đội là được trở về, được chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đất nước, điều đó đã tiếp cho tôi sức mạnh để kiên cường chiến đấu với bệnh tật và sống có ích hơn. Rồi bà Hòa vui vẻ cất tiếng hát: “...Cô gái miền quê ra đi cứu nước, mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn. Bàn tay em phá đá mở đường, gian khó phải lùi, nhường em tiến bước. Em có nghe tiếng súng nơi tiền phương giục lòng. Miền Nam tha thiết gọi cả nước ta lên đường...”. Thật cảm phục tinh thần lạc quan của bà!

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Hòa chung nhịp đập về khát vọng thịnh vượng

    Hòa chung nhịp đập về khát vọng thịnh vượng

    Thời sự - Chính trị -
    Brazil cách Việt Nam nửa vòng Trái đất. Bay thẳng từ Hà Nội tới thành phố Rio de Janeiro mất 25 tiếng kể cả dừng kỹ thuật giữa chặng, nhưng sự mệt mỏi dường như tan biến khi những người bạn Brazil đã dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm, thân tình.
  • 'Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

    Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

    Du lịch -
    Phát huy tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên và những giá trị di tích lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc, tỉnh Sơn La đã tập trung đầu tư và ban hành các chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  • 'Du lịch trải nghiệm hồ Suối Chiếu

    Du lịch trải nghiệm hồ Suối Chiếu

    Du lịch -
    Cách trung tâm xã Mường Cơi hơn 15 km, hồ Suối Chiếu, mùa này nước xanh ngắt giữa những dãy núi bao quanh, vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng, đầy cuốn hút, ngày càng nhiều du khách tìm đến trải nghiệm, khám phá.
  • 'Nặm Dên đoàn kết xây dựng nông thôn mới

    Nặm Dên đoàn kết xây dựng nông thôn mới

    Nông thôn mới -
    Về bản Nặm Dên, xã biên giới Chiềng Sơn, cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này, tuyến đường nội bản được đổ bê tông sạch đẹp, có hệ thống đèn chiếu sáng; hai bên là những ngôi nhà xây kiên cố khang trang và đồi chè, vườn cây ăn quả xanh mướt, minh chứng cho cuộc sống no ấm của nhân dân.
  • 'Nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

    Nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

    Cải cách hành chính -
    Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Năm 2024, chỉ số PAPI tỉnh Sơn La được 43,8876 điểm, tăng 1,4291 điểm so với năm 2023; đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2023.
  • 'Tiện ích ứng dụng tra cứu địa chí Sơn La

    Tiện ích ứng dụng tra cứu địa chí Sơn La

    Khoa Giáo -
    Ứng dụng “Tra cứu địa chí Sơn La - Sonla.wiki” do các em học sinh Trường THCS Nguyễn Cảnh Toàn và Trường Tiểu học - THCS Chiềng Pằn, xã Yên Châu triển khai thực hiện, giúp người dùng tra cứu thông tin về Sơn La qua website và điện thoại thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Sáng kiến đã đoạt giải nhì Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS tỉnh Sơn La năm 2024.
  • 'Mai Tiên không ma túy

    Mai Tiên không ma túy

    An ninh trật tự -
    Thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhất là trong đấu tranh với tệ nạn ma túy, Ban quản lý bản Mai Tiên, xã Chiềng Mung đã có nhiều giải pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong phát giác, tố giác tội phạm, ngăn chặn ma túy xâm nhập vào địa bàn. Nhờ đó, Bản Mai Tiên có 15 năm liên tục giữ vững danh hiệu “Bản không ma túy”.
  • 'Hoạt động của hệ thống chính trị ở Sông Mã thông suốt

    Hoạt động của hệ thống chính trị ở Sông Mã thông suốt

    Xã hội -
    Xã Sông Mã được thành lập trên cơ sở sáp nhập thị trấn Sông Mã và xã Nà Nghịu cũ, với tổng diện tích 105,99 km², dân số hơn 26.000 người. Sau hơn một tuần vận hành theo mô hình mới, xã đã chủ động tổ chức bộ máy, vận hành đồng bộ, đảm bảo hoạt động hành chính công diễn ra thông suốt, tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp.