Theo số liệu thống kê, lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trong những năm trở lại đây, năm 2010, lượng thuốc tiêu thụ gần 59.000 kg (lít), đến năm 2016 tăng lên trên 287.000 kg (lít), tương đương 1-2 lít(kg)/ha đất nông nghiệp, trong đó: thuốc trừ sâu chiếm 13%, thuốc trừ bệnh chiếm 4%, thuốc trừ cỏ chiếm 80%, thuốc khác chiếm 3%.
Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại xã Chiềng Đen (Thành phố) đã quá tải.
Với lượng thuốc BVTV sử dụng như hiện nay, trung bình mỗi năm chúng ta đang thải ra ngoài môi trường từ 9 đến 15 tấn rác thải thuốc BVTV. Trong khi đó, công tác thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa được triển khai đồng bộ, gây ảnh hưởng tới môi trường sống và sức khỏe của người dân.
Để ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người do rác thải thuốc BVTV sau sử dụng, ngày 31/3/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 603 về việc hướng dẫn sử dụng thuốc và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Đồng thời, triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng bể chứa bao gói thuốc BVTV tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với 500 triệu đồng hỗ trợ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã xây dựng, lắp đặt được 103 bể chứa tại 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 gồm: Mường Chanh (Mai Sơn), Gia Phù (Phù Yên), Chiềng Sơn (Mộc Châu), Chiềng Khương (Sông Mã), Sốp Cộp (Sốp Cộp), Phổng Lái (Thuận Châu) và Chiềng Đen (Thành phố). Các bể được xây bằng bê tông, có chiều sâu 1 m, đường kính 1,5 m, có nắp đậy kín đảm bảo theo đúng quy cách tiêu chuẩn quy định, có thể chứa tới 1,5 m3 vỏ, bao bì thuốc BVTV đã sử dụng, được đặt xa nguồn nước, xa khu dân cư, phân bố hợp lý trên các nương rẫy, thuận lợi cho người dân, không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Qua trao đổi với lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh được biết, trước khi lắp đặt các bể chứa, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các xã, bản mở các lớp tập huấn cho nhân dân về việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” gồm: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Đưa việc sử dụng thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ vào hương ước của tổ, bản, tiểu khu, quy định rõ không sử dụng thuốc trừ cỏ đối với khu vực đầu nguồn nước, từng bước làm thay đổi thói quen hình thành ý thức tự giác trong việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, không vứt bừa bãi.
Tuy nhiên qua thực tế tìm hiểu tại mô hình bể chứa bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng tại xã Chiềng Đen (Thành phố), nhận thấy, việc lắp đặt bể chứa thuận tiện cho việc thu gom, vận chuyển rác thải, nhưng điều băn khoăn là chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, rất nhiều bể chứa đã quá tải, đầy kín vỏ, bao thuốc BVTV, có bể tràn cả ra ngoài, người dân phải để cả trên nắp bể, dưới đất xung quanh bể như một đống rác?.
Trao đổi với ông Phạm Văn Hùng, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, được biết: Việc lắp đặt, xây dựng bể chứa bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng là rất thiết thực. Tuy nhiên, công tác xử lý bao gói thuốc sau khi được thu gom chưa được triển khai do hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực xử lý rác thải thuốc BVTV theo quy định. Thêm vào đó, việc quy hoạch, đầu tư, bố trí các điểm thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn các huyện, thành phố chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả; chưa có mô hình quản lý, thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý phù hợp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển còn thiếu, chủ yếu là phương tiện thủ công.
Giải pháp để triển khai hiệu quả việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện thông qua Đề án Quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 - 2020. Mục tiêu đến năm 2020: 100% bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom; 100 % các tổ, bản, tiểu khu, HTX sản xuất nông nghiệp, khu vực canh tác nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh có bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; hoàn chỉnh mạng lưới thu gom và duy trì hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh; Xây dựng các bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Theo đó, Đề án đã đưa ra một loạt các giải pháp, gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”; rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu lưu chứa, điểm đặt bể thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn các huyện, thành phố, lồng ghép với quy hoạch nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với thực tế ở từng địa phương; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ công tác thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; xử lý, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được thu gom tại các khu lưu chứa, bể chứa; kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Hiện nay, công tác thu gom thuốc bảo vệ thực vật được quy định chi tiết tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/05/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên Môi trường, trong đó quy định rõ tối thiểu phải có 1 bể chứa (dung tích 0,5 - 01 m3) trên diện tích 3 ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo quy định trên, nhu cầu về bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Sơn La dự kiến cần khoảng 10.000-15.000 chiếc, đảm bảo vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom toàn bộ. Để làm được điều đó, rất mong cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, coi việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với công tác bảo vệ môi trường nông thôn, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!